Cần có chiến lược chế biến, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như thế nào?

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 27/10/2022 06:05 GMT+7

VTV.vn - Việc chế biến, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại 4-5 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay mới đạt khoảng 275 triệu USD.

Nhiều năm qua, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản dự kiến sẽ chạm mốc 50 tỷ USD trong năm nay. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 5-6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó, chỉ khoảng 20% nguồn thải ra môi trường được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, cho cá ăn...), còn lại 80% thải trực tiếp ra môi trường.

Cụ thể:

- Khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56%);

- 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39%);

- 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm gần 4%)

- Khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (gần 1%)

Việc chế biến, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở Việt Nam có thể mang lại 4-5 tỷ USD/năm, nhưng hiện nay mới đạt khoảng 275 triệu USD.

Tăng trưởng xanh từ phụ phẩm nông nghiệp

Cần có chiến lược chế biến, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như thế nào? - Ảnh 1.
Cần có chiến lược chế biến, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như thế nào? - Ảnh 2.

Các giải pháp quản lý và sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp hiệu quả là vấn đề cấp thiết đăt ra ở cả góc độ kinh tế và môi trường. Đây cũng là 1 trong những vấn đề được bàn luận tại hội nghị Triển khai kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 diễn ra mới đây.

Một kế hoạch hành động đã được đưa ra nhằm phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp trong mối liên kết phát triển thị trường sản phẩm xanh.

100 triệu tấn phụ phẩm trong trồng trọt sẽ là cơ sở để nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%, một triệu tấn phụ phẩm thủy sản sẽ có thể đem lại nhiều tỷ USD nếu có công nghệ xử lý.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, trong số đó có các chỉ tiêu về môi trường, tăng trưởng xanh".

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành ngành hàng tỷ đô

Thực chất, công nghệ chế biến phế phẩm không khó vì chúng ta có thể nhanh chóng thụ hưởng công nghệ từ thế giới. Phụ phẩm cũng có thể trở thành một ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, cà phê, hạt tiêu… nếu chúng ta có chiến lược bài bản. Năm nay, xuất khẩu viên nén gỗ mang về xấp xỉ 700 triệu USD.

Cần có chiến lược chế biến, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như thế nào? - Ảnh 3.

Khai thác, sử dụng tốt phụ phẩm nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam.

Viên nén gỗ là sản phẩm được làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp đó là vỏ, lá cây, cành ngọn nhỏ, đầu mẩu gỗ vụn… Nguồn phế - phụ phẩm này có từ hệ thống các xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm… Hiện cả nước có khoảng 300 cơ sở sản xuất viên nén, 100% xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây là châu Âu. Viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Còn tại ĐBSCL, với sản lượng lúa mỗi năm là 40 triệu tấn thì cũng có nghĩa một lượng rất lớn rơm rạ được thải ra. Những năm gần đây rơm đã là rơm vàng: rơm trồng nấm; rơm cho bò ăn; rơm phủ gốc; rơm là năng lượng thay than… Từ đây nhiều nông dân đã đầu tư máy cuốn rơm.

Ở quy mô chuyên nghiệp hơn, công ty Nông Thành Phát, Trà Vinh đã trang bị kho chứa, với hệ thống máy nén rơm thành khối hiện đại. Mùa mưa, kho vẫn trữ sẵn 4 ngàn tấn rơm phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Anh Lê Minh Phước, Giám đốc Công ty Nông Thành Phát, Trà Vinh, cho biết: "Đã có một số đối tác từ nước ngoài như Hàn Quốc sang đặt vấn đề nhập khẩu hàng. Trên 90% rơm hiện nay là dùng cho chăn nuôi gia súc, đó là chăn nuôi bò. Một số rơm phẩm cấp thấp thì dùng để ủ cây còn 1 số sản phẩm rơm thông qua chế biến viên nén thì làm chất đốt".

Viên nén từ rơm, viên nén từ vỏ trấu là những năng lượng của tương lai. Còn lúc này vỏ hạt điều đã không còn là rác phải đốt bỏ mà còn có thể ép lấy dầu. Dầu vỏ điều làm chất đốt công nghiệp với giá thành rẻ hơn khoảng 60% so với dầu FO. Hiện 1 tấn hạt điều khô có thể sản xuất được khoảng 154 kg dầu. Do không phải cạnh tranh với nước nào nên Việt Nam có thể thu 300-400 triệu USD/năm từ vỏ hạt điều.

Các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu và đây chính là "mỏ vàng" cần khai thác. Hơn nữa, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 với mức đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến nền nông nghiệp tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 26/10 với khách mời là ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT sẽ trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn theo dõi!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước