Dù có những bước hồi phục ngoạn mục, tính từ đầu năm, chỉ số VN-Index vẫn mất khoảng 9% giá trị và nhóm VN30 cũng như cổ phiếu vốn hóa lớn cũng mất một lượng tương ứng. Tuy nhiên mặt bằng chung, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giúp nhà đầu tư có lợi nhuận rất đáng kể từ 7,7% - 16,8%.
Số cổ phiếu trong nhóm này cho tỷ suất lợi nhuận trên 20% cũng lên đến hàng trăm mã. Tuy nhiên, tìm kiếm lợi nhuận ở những cổ phiếu "nóng", các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới sẽ cần lưu ý gì để tránh "bỏng tay"?
Theo chuyên gia chứng khoán Đỗ Thái Hưng, hiện tượng tiền tìm đến cổ phiếu nhỏ như dòng nước lũ. Dòng tiền lớn đổ mạnh vào thị trường thời gian qua, sau khi đã lấp đầy các kênh chính là các cổ phiếu lớn, đã có sự tỏa ra các nhánh, chảy vào cổ phiếu vừa và nhỏ, đẩy giá tăng rất mạnh.
"Dòng tiền thường mang tính đầu cơ cao, kỳ vọng cao, đẩy giá cổ phiếu lên tăng nóng, tuy nhiên cũng đối mặt với áp lực trung và dài hạn khi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp không đi kèm diễn biến tăng giá. Vì vậy, rủi ro chắc chắn sẽ rất lớn với nhà đầu tư vào chậm khi mặt bằng giá đã lên cao", ông Đỗ Thái Hưng, Giám đốc điều hành, Công ty Đầu tư Finpros, nhận định.
Mặt bằng chung, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giúp nhà đầu tư có lợi nhuận đáng kể. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Một số trường hợp điển hình gần đây là cổ phiếu HAP - Hapaco tăng gấp 3 lần trong chưa đầy một tháng khi có thông tin 5 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hay PTL - Petroland trước câu chuyện PVOil thoái vốn cũng đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, các cổ phiếu kiểu này đã giảm sàn liên tục khiến không ít nhà đầu tư "xanh mắt mèo".
Không phủ nhận cơ hội kiếm lời tại nhiều cổ phiếu "rau dưa, trà đá" hồi sinh trước câu chuyện riêng, tuy nhiên theo các thành viên lâu năm của thị trường, các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng, không đầu tư nhỏ lại dễ thành lỗ lớn.
"Phải đầu cơ trên cổ phiếu đầu tư của mình. Những nhà đầu tư có kiến thức và kinh nghiệm sẽ hiểu câu nói của tôi. Thực ra chuyện đi đêm giữa công ty chứng khoán và công ty niêm yết còn xảy ra tại Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhìn ra vấn đề này. Trong quá khứ họ đã mua gom cổ phiếu 6 tháng đến 1 năm sau đó họ mới công bố thông tin và đẩy giá cổ phiếu lên. Chạy theo con sóng đó thường mất rất nhiều tiền", nhà đầu tư Trần Tiến Dũng chia sẻ.
"Thanh khoản cũng là một yếu tố ta cần lưu ý vì rất nhiều mã vốn hóa nhỏ có mức độ tăng tương đối mạnh nhưng gần như không có thanh khoản nên cũng rất rủi ro cho nhà đầu tư", ông Lê Ngọc Nam, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!