Cục thuế tỉnh Quảng Ninh hiện còn trên 1.000 tỷ đồng bị các doanh nghiệp nợ thuế, trong số đó có đến quá nửa dư nợ trên 90 ngày, tức là bắt buộc phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Thông thường, cơ quan thuế sẽ trích tiền từ tài khoản và thông báo hóa đơn của doanh nghiệp không còn giá trị sử dụng. Thế nhưng trên thực tế, những biện pháp cưỡng chế này còn tồn tại nhiều lỗ hổng khiến doanh nghiệp có thể lách luật. Vì theo quy định, trước khi thực hiện cưỡng chế, cơ quan thuế phải thông báo cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng trước 5 ngày. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển tiền từ tài khoản đi nơi khác.
Bên cạnh đó, hiện nay chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không nộp thuế, vẫn chưa đủ sức răn đe. Ngoài các biện pháp xử phạt, cưỡng chế theo quy định, nếu doanh nghiệp nợ thuế vẫn chây ì, không nộp, cơ quan thuế cũng không còn giải pháp nào khác.
Theo Tổng cục Thuế, trong số 76.000 tỷ đồng nợ thuế hiện nay, có tới 20% là số thuế khó có khả năng thu hồi, nhưng vẫn phải tính tiền phạt chậm nộp. Vì thế số nợ thuế mới ngày một tăng. Theo các chuyên gia, nợ thuế không còn khả năng thu hồi nhưng vẫn tính tiền chậm nộp cần có giải pháp tháo gỡ để xóa nợ vì đây là số nợ ảo.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã giao chỉ tiêu thu hồi nợ thuế cho từng cục thuế, đảm bảo số nợ không vượt quá 5% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc áp dụng chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp nợ thuế chây ì, cần có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ nợ thuế cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!