Cần tư duy mới trong xuất khẩu lao động Việt Nam sang Trung Đông

Anh Phương, Phùng Sơn (PV thường trú THVN tại Trung Đông)-Thứ hai, ngày 24/04/2017 14:45 GMT+7

VTV.vn - Những cơ hội đang mở ra cho lao động Việt Nam làm việc tại Trung Đông, nhưng cần một chiến lược tổng thể để khơi dậy đúng tiềm năng của lao động Việt Nam.

Trung Đông, đặc biệt là các quốc gia Vùng Vịnh đang chứng kiến làn sóng nhập cư kỷ lục của những lao động nước ngoài. Tại Qatar, người nước ngoài hiện chiếm tới 94% lực lượng lao động. Con số này ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất là khoảng 90%, ở Kuwait cũng lên tới hơn 80%. Tuy nhiên, có một thực tế, những lao động xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Đông lại đang chưa thể phát huy được hết lợi thế trong cuộc cạnh tranh tại khu vực này. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu về những tư duy mới trong chiến lược xuất khẩu lao động sang thị trường Trung Đông.

Chị Nguyễn Quỳnh Trang làm marketing cho Tập đoàn khách sạn IHG tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất được 2 năm nay, một vị trí mà trước đây chị khó có thể nghĩ tới.

Ông Mã Khi Tân cũng trở thành Bếp trưởng nhà hàng Wox, khách sạn Grand Hyatt, Dubai (UAE). Ban đầu chỉ là một bếp trưởng người Việt gốc Hoa, đến nay, ông Tân đã giới thiệu khoảng hơn 20 đầu bếp Việt sang đây làm việc.

Tại Vùng Vịnh, cái nắng khắc nghiệt có thể lên đến 50 độ C, khiến cho những công việc tại công trường, nhà xưởng - vốn là thế mạnh của lao động Việt - không còn lợi thế trong cuộc cạnh tranh tại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia lại nhìn thấy những tiềm năng chưa được đánh thức của các lao động Việt Nam, trong những ngành nghề đỡ khắc nghiệt hơn mà mức lương lại cao hơn.

Nhiều nhà tuyển dụng, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, khách sạn đã bày tỏ mong muốn được tìm kiếm những nguồn lao động từ Việt Nam. Một trong những lý do là bởi họ làm việc chăm chỉ, sạch sẽ và trong cách sống có một thái độ cởi mở, mến khách. Đó là những giá trị đã ăn sâu vào trong văn hóa và đang tạo ra những lợi thế cho các lao động Việt Nam.

Nhiều nước Trung Đông đang nỗ lực phát triển dịch vụ, biến đây thành lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng chuẩn bị cho kỷ nguyên hậu dầu lửa. Những cơ hội đang mở ra để lao động Việt Nam làm việc tại Trung Đông, nhưng sẽ cần một chiến lược tổng thể để có thể khơi dậy được đúng tiềm năng của các lao động Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước