Cảng hoạt động cầm chừng, xuất khẩu gạo khó chồng khó

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 13/09/2021 12:43 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù đã có những tháo gỡ, như vận hành luồng xanh đường thủy, nhưng chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gạo vẫn gặp nhiều khó khăn.

Hiện việc thu hoạch lúa vụ Hè Thu đang vào bước những ngày cuối, nhưng đơn cử như tỉnh Bạc Liêu, có thời điểm mới chỉ đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu máy gặt/máy cắt. Bên cạnh huy động máy móc từ các tỉnh bạn, các địa phương cũng đã mạnh dạn hỗ trợ chi phí test nhanh cho các đội thu hoạch lúa bởi họ thu hoạch liên xã.

Về mặt thị trường, lương thực là hàng hóa thiết yếu nên dù dịch bệnh căng thẳng, xuất khẩu gạo vẫn có đơn hàng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo ở vựa gạo lớn nhất cả nước đang khó chồng khó. Chi phí thuê container cao, các cảng hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng hoạt động đã khiến lượng gạo ùn ứ.

Hiện Tân Cảng Hiệp Phước đã tạm ngừng dịch vụ đóng rút gạo do có công nhân mắc COVID-19. Trong khi cảng Mỹ Thới, An Giang kẹt cứng. Nguyên nhân chính vẫn là thiếu hụt công nhân bốc xếp.

Cảng hoạt động cầm chừng, xuất khẩu gạo khó chồng khó - Ảnh 1.

Lương thực là hàng hóa thiết yếu nên dù dịch bệnh căng thẳng, xuất khẩu gạo vẫn có đơn hàng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Dù thiếu công nhân, dịch bệnh phức tạp nhưng các cảng thuộc Công ty CP Cảng Cần Thơ vẫn duy trì sản xuất "3 tại chỗ". Ở cảng Cái Cui, lực lượng công nhân đã phát huy tối đa năng suất. Tuy nhiên, lượng hàng thông qua cảng vẫn chưa được 1/3 so với bình thường.

Còn tại cảng Hoàng Diệu, dù đã huy động cả cán bộ nhân viên, nhưng với lượng công nhân bốc vác ít cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu.

"Do các khu phong tỏa, việc cấp giấy đi đường gặp khó khăn nên nhiều công nhân không ra được cảng. Cảng chỉ hoạt động với khoảng 10 công nhân. Năng suất xếp dỡ giảm tương đối rõ rệt, đến 2/3. Do lực lượng mỏng, chúng tôi không bố trí làm ban đêm nên sẽ xảy ra chậm trễ", ông Phan Đại Thành, Giám đốc Cảng Hoàng Diệu, Công ty CP Cảng Cần Thơ, cho biết.

Dù doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, nhưng chuỗi cung ứng vẫn đứt gãy do mỗi tỉnh, thành có những quy định khác nhau khiến hàng hóa ùn tắc. Phải chạy theo phía sau dịch bệnh, doanh nghiệp và người lao động trở thành đối tượng thiệt hại nhiều nhất.

Để khơi thông "điểm nghẽn" xuất khẩu gạo, các chuyên gia đề xuất cần linh hoạt 2 phương án: thông hàng nhanh và chuyển hướng. Thay vì lên TP Hồ Chí Minh đóng gạo, doanh nghiệp cần đóng hàng ở miền Tây. Các hãng tàu mở code, đưa container tiếp nhận ở cảng giúp cho việc bốc chuyển gạo thuận tiện hơn.

Gạo xuất khẩu giảm về lượng và giá trị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu tại các tỉnh phía Nam sẽ dứt điểm trong khoảng giữa tháng 9 này. Việc thu hoạch rộ diễn ra ngay thời điểm mưa nhiều. Việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo.

Các thương nhân thiếu hụt nguồn nguyên liệu chế biến gạo thành phẩm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết trước đó.

Gạo là mặt hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất trong nhóm hàng nông sản khi giảm tới gần 15% về lượng và giảm gần 7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện thị trường thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải/container, tài công ghe/sà lan vận chuyển gạo hàng hóa từ nhà máy chế biến ra cảng. Người lao động làm hàng tại các cảng xuất khẩu cũng bị giảm rất nhiều.

Cảng hoạt động cầm chừng, xuất khẩu gạo khó chồng khó - Ảnh 2.

Việc vận chuyển lúa từ ruộng đến nhà máy bị gián đoạn, dẫn đến tình trạng ùn ứ lúa tươi chưa được xử lý, làm giảm chất lượng gạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tại một số địa phương, tài công ghe thương lái hoặc tài xế lái máy gặt đập liên hợp được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, tuy nhiên giấy xác nhận này chỉ có hiệu lực trong vòng 72 giờ, không đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long l đi các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh. Thực tế khiến hàng loạt các phương tiện vận tải biển phải tạm ngưng hoạt động.

Khó đảm bảo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự kiến, năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên mục tiêu này có thể sẽ phải điều chỉnh khi những tác động của COVID-19 còn chưa biết điểm dừng.

Hiện hầu hết các thương nhân e ngại việc ký kết hợp đồng mới do tình trạng ách tắc trong lưu thông và giao nhận tại các cảng biển. Bên cạnh đó, biên độ chênh lệch giá thời điểm chào bán và giá cước thực tế lúc giao hàng quá lớn khiến các thương nhân cũng như khách hàng đều gặp rủi ro lớn.

Tình trạng này nếu tiếp diễn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kim ngạch và nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Malaysia vào các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Thái Lan, Ấn Độ.

Ngoài ra, tình trạng tồn kho thóc, gạo tại doanh nghiệp nhìn chung vẫn còn nhiều, dù đã đến thời điểm bổ sung tồn kho thường kỳ. Trong khi đó, do giá trị hàng hóa cao nên các thương nhân xuất khẩu gạo hầu hết đều sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, các chi phí phát sinh sau Chỉ thị 16 cũng thành một gánh nặng mới cần được tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ cho ngành hàng quan trọng này.

Vì sao xuất khẩu gạo Việt Nam sụt giảm? Vì sao xuất khẩu gạo Việt Nam sụt giảm?

VTV.vn - 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm tới trên 15% về lượng so với cùng kỳ năm 2020, về trị giá giảm nhẹ 5,3%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước