Căng thẳng Nga - Ukraine: Chiếc bánh mỳ tại Ai Cập đến nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 19/03/2022 12:40 GMT+7

VTV.vn - Một con bướm đập cánh ở Brazil, có thể gây ra lốc xoáy ở Texas. Một cuộc xung đột quân sự ở Đông Âu, ảnh hưởng thế nào tới những chiếc bánh mỳ tại Ai Cập, cách đó 2400 km?

Chiếc bánh mỳ tại Ai Cập

Bánh mỳ là thực phẩm thiết yếu trên bàn ăn của người dân tại ít nhất 27 quốc gia trên thế giới. Hiện Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu. Hầu hết hàng hoá xuất khẩu của Ukraine đi ra thế giới qua Biển Đen. Và chính phủ Ukraine đã ra lệnh đóng cửa các cảng biển ở khu vực này. Ngày 9/3 vừa rồi, Ukraine cũng đã tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mỳ. 

Còn Nga do bị phương Tây trừng phạt kinh tế mà thị trường xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Các bạn hàng, hoặc là không dám mua, hoặc là không mua được. 

Căng thẳng Nga - Ukraine: Chiếc bánh mỳ tại Ai Cập đến nguy cơ khủng hoảng lương thực  toàn cầu - Ảnh 1.

Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters)

Theo số liệu, Thổ Nhĩ Kỳ hiện 80% lượng lúa mỳ nhập từ Nga và Ukraine, Ai Cập nhập 85%, Li Băng hay Tunisia nhập trên 80%, Iran trên 60%... Đáng chú ý đây đều là những nền nông nghiệp lớn tại Trung Đông, Bắc Phi. Còn những quốc gia như tại Vùng Vịnh, lương thực về cơ bản là nhập khẩu toàn bộ.

Ghi nhận trên thị trường, giá lúa mỳ tại Trung Đông đã tăng khoảng 35% kể từ khi căng thẳng Nga - Ukraine bùng phát. Lúa mỳ nhập khẩu từ Nga - Ukraine hiện nhập của vụ tháng 7/2021, vụ tới vào tháng 7/2022, nếu căng thẳng còn kéo dài nguồn cung sẽ lại càng thiếu và giá cả có thể còn lên nữa. Đây là điều đáng lo ngại với ổn định xã hội. 

Như tại Ai Cập, nước này vẫn đang duy trì chính sách mỗi ngày miễn phí 5 ổ bánh mì miễn phí cho khoảng 2/3 dân số, xem đây là một trong những yếu tố tối quan trọng để phòng ngừa nguy cơ bất ổn xã hội sau Mùa xuân Arab, nay kho lúa mỳ mà thiếu chắc chắn không phải là bài toán dễ dàng. 

Căng thẳng Nga - Ukraine: Chiếc bánh mỳ tại Ai Cập đến nguy cơ khủng hoảng lương thực  toàn cầu - Ảnh 2.

Nhiều quốc gia đang phụ thuộc lớn vào nguồn lúa mì từ Nga và Ukraine (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Paul Keller / Flickr)

Các nước hiện đang gấp rút lùng tìm nguồn cung lúa mỳ thay thế. Nhưng nguồn cung đáng kể nhất có thể thay thế hiện nay là từ Nam Mỹ và Bắc Mỹ, song giá thành sẽ bị đội lên cao vì chi phía vận chuyển. Các nước đã vừa phải trải qua cú sốc sau đại dịch, ngân sách và túi tiền của nhà nước lẫn doanh nghiệp, người dân đều eo hẹp. 

Ngay cả những nước Vùng Vịnh giàu có cũng không khỏi lo lắng, không chỉ giá bánh mì tăng cao, thịt cá trứng sữa... giá cả cũng đều leo thang, do nguồn ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi bị khan hiếm. 

Giá thực phẩm cao kỷ lục

Không chỉ có lúa mỳ, mà chỉ số giá của hàng loạt các loại lương thực thực phẩm thiết yếu trong tháng 2 vừa rồi đều tăng vọt. 

Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc, gần như tất cả các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá kỉ lục trong tháng 2 vừa rồi (tháng bắt đầu xảy ra xung đột Nga - Ukraine). Tăng giá đặc biệt nhiều là dầu thực vật, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa. Tất cả những thứ vô cùng thiết yếu trên bàn ăn của người dân nhiều nước trên thế giới. 

Căng thẳng Nga - Ukraine: Chiếc bánh mỳ tại Ai Cập đến nguy cơ khủng hoảng lương thực  toàn cầu - Ảnh 3.

Chỉ số giá của hàng loạt các loại lương thực thực phẩm thiết yếu trong tháng 2 tăng vọt

Trong tất cả các loại hàng hoá, giá cả thực phẩm luôn là những con số biết nói nhất. Giá xăng dầu tăng - chúng ta có thể hạn chế đi lại, giá vàng tăng - chúng ta có thể không đầu tư vàng, nhưng giá thực phẩm tăng, người tiêu dùng vẫn phải mua chứ không thể nhịn đói. 

Áp lực tăng giá có thể được cảm nhận ở nhiều quốc gia, ngay cả những nơi có mức sống cao như châu Âu.

"Giá lượng thực tăng cao đang ảnh hưởng lớn đến chi tiêu hàng ngày của chúng tôi. Những thứ trước có giá 10 Euro, giờ đã tăng lên 12 đến 13 Euro. Giá cả đã tăng khoảng 20%", ông Javier - Người dân Tây Ban Nha cho biết.

Các quốc gia đang phát triển tại châu Á hay châu Phi là nơi phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn cả bởi một lượng lớn nguồn cung lương thực thực phẩm của các nước này tới từ Nga hay Ukraine. Tại thủ đô Accra của Ghana, nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm đã rơi vào tình trạng khó khăn, nợ nần chồng chất hoặc phải sa thải bớt nhân viên vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

"Mọi thứ bắt đầu tệ hơn từ tháng 6 năm ngoái. Không chỉ bột mỳ mà cả đường, bơ thực vật, tất cả những nguyên liệu cần dùng để làm bánh mỳ đều tăng giá. Mức tăng theo từng tháng, hoặc thậm chí là từng tuần", ông Raphael Borketey - Nhà đồng sáng lập hiệu bánh Bethel, Ghana cho biết.

Căng thẳng Nga - Ukraine: Chiếc bánh mỳ tại Ai Cập đến nguy cơ khủng hoảng lương thực  toàn cầu - Ảnh 4.

Thế giới đang đứng trước nguy cơ khủng khoảng lương thực (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters)

Đối với người dân nghèo tại nhiều quốc gia, tình hình càng trở nên bi đát hơn nữa, bởi nguồn cung thực phẩm, giờ đang dần vượt ngoài tầm với của họ.

"Một nửa trong số chúng tôi đã phải nhịn ăn sáng, và tôi vẫn đang cố gắng hết sức để tìm kiếm thực phẩm cho gia đình. Giống như con kiến trên mặt đất hay con cá dưới biển, chúng tôi sẽ ăn tất cả những gì mà mình có thể tìm thấy", ông Ghalib Al Najjar - Người dân Yemen nói.

Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể khiến giá lương thực và thực phẩm quốc tế tăng từ 8% đến 20%. Các chuyên gia cũng cảnh báo khả năng gián đoạn hoạt động nông nghiệp của hai nước xuất khẩu lương thực chủ chốt này có thể khiến số lượng người suy dinh dưỡng toàn cầu tăng thêm từ 8 đến 13 triệu người trong giai đoạn 2022 - 2023. 

 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước