Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc

Hoa Trà-Thứ năm, ngày 25/08/2022 15:46 GMT+7

VTV.vn - Người lao động cần cảnh giác với thông tin quảng cáo mời chào nộp tiền tham gia các khóa học nghề và thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội) đã đưa ra cảnh báo trên.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, từ tháng 4 năm nay, chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động ở các ngành nghề kỹ thuật, nên một số nhóm đối tượng đã lợi dụng để lôi kéo người lao động có nhu cầu.

"Tham gia vào những tổ chức đưa đi làm việc ở nước ngoài, nhưng không có chức năng dẫn đến việc đóng tiền vào làm hồ sơ sẽ mất nhiều thời gian, tiền của, công sức nhưng không đạt được kết quả như mong muốn", ông Lê Thanh Hà, Trưởng phòng Hàn Quốc, Tây Á, Châu Phi, Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, cho biết.

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc - Ảnh 1.

Từ tháng 4 năm nay, chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động ở các ngành nghề kỹ thuật, nên một số nhóm đối tượng đã lợi dụng để lôi kéo người lao động có nhu cầu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, để lựa chọn được các lao động có kĩ năng, tay nghề, các doanh nghiệp của Hàn Quốc thường sẽ có cuộc khảo sát thực tế tại các đơn vị đào tạo ở Việt Nam. Vì vậy, người lao động cần cẩn trọng lựa chọn các đơn vị được cấp phép để tránh rủi ro.

"Những người lao động Việt Nam đang chuẩn bị sang Hàn Quốc không đi theo các công ty đoàng hoàng thì rất khó lấy được visa của chính phủ Hàn Quốc, vì vậy cần hết sức cẩn thận", ông Hong Sun, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Korcham, cho hay.

Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, nhu cầu lao động của Hàn Quốc riêng với các ngành nghề kỹ thuật theo thị thực E7 vào khoảng 1.000 - 2.000 lao động mỗi năm.

"Thị trường lao động Hàn Quốc hiện đang thiếu lượng lao động chất lượng cao rất lớn, đặc biệt là ngành đóng tàu, trong đó có sơn tàu, hàn tàu và điện. Tiêu chí tuyển chọn khắt khe, phải có chứng chỉ quốc tế, có kinh nghiệm ít nhất 2 năm, tham gia bảo hiểm xã hội. Trước kia, người lao động phải tốt nghiệp cao đẳng, nhưng giờ tiêu chí giảm đi, chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông là được", ông Bùi Xuân Quảng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Dương, thông tin.

Để tránh rủi ro khi xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có thể tra cứu danh sách các công ty được cấp phép chính thức trên website của Cục, hoặc điện thoại trực tiếp để được hướng dẫn (www.dolab.gov.vn, điện thoại: 0243.8249517 máy lẻ 301 và 302).

Xuất khẩu lao động năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu Xuất khẩu lao động năm 2022 dự kiến vượt mục tiêu

VTV.vn - Các thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ, lượng lao động đi nước ngoài làm việc mỗi tháng đang ngày một gia tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước