Đi qua 4 địa phương: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, tuyến cao tốc này được người dân và chính quyền địa phương kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh.
Về An Giang, câu chuyện được nhắc nhiều nhất lúc này là xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Sinh kế dựa vào mảnh vườn, thửa ruộng, nhưng nhiều trường hợp như anh Tuấn (TP Châu Đốc, An Giang) sẵn sàng đốn hàng trăm gốc xoài để bàn giao mặt bằng cho dự án.
"Khi dự án này hoàn thành sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho khu vực, đặc biệt là tỉnh An Giang", anh Dương Anh Tuấn, TP Châu Đốc, An Giang, chia sẻ.
Người dân TP Cần Thơ nhận tiền bồi thường dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. (Ảnh: PLO)
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài trên 188 km, quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng. Thấy được lợi ích chung, hàng ngàn hộ dân ở 4 địa phương có cao tốc đi qua đều đồng thuận bàn giao mặt bằng. Chính quyền địa phương cũng lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.
"Huy động cả hệ thống chính trị trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang", ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết.
Bỏ qua lợi ích riêng để nghĩ đến cái chung, khi lòng dân đã thông suốt, dù đất có quý hơn vàng, bà con cũng sẵn sàng bàn giao. Hiện 4 địa phương có tuyến cao tốc đi đều có tỷ lệ giải phóng mặt bằng trên 75%, đủ điều kiện để khởi công dự án.
Đất đai là tài sản quý giúp tạo dựng cuộc sống. Tuy nhiên vì lợi ích chung, nhiều người đã không tính thiệt hơn. Giao thông thuận lợi sẽ tạo giúp kinh tế đồng bằng vươn mình cất cánh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!