Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP.HCM đã có 327.000 lao động nghỉ việc. Dự báo, con số này sẽ tăng lên gần nửa triệu lao động nếu như tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, ở thị trường xuất khẩu của các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ… Khi các ngành này được dự báo liên tục thiếu hụt, sụt giảm đơn hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu đang dần "thấm đòn". Bài toán ứng phó nào sẽ được đưa ra trong bối cảnh hiện nay?
TP.HCM: Lao động mất việc làm dự báo ngày càng tăng
Gần 14.000 doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID -19, chiếm 85,4% trong tổng số hơn 16.300 doanh nghiệp được khảo sát tại TP.HCM. Nếu tình hình dịch tiếp tục khó khăn, đặc biệt đối với các thị trường xuất khẩu, con số này sẽ càng tăng lên. Hệ lụy trước mắt dễ thấy nhất, nhiều lao động đã mất việc, nhiều lao động đang đứng trước nguy cơ bị sa thải khi mà khó khăn do dịch vẫn đang hiện hữu.
Theo dự báo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, dưới sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, sẽ tiếp tục có hàng trăm nghìn lao động mất việc hoặc giảm lương, giảm giờ làm trong những tháng cuối năm.
Nhiều lao động đang đứng trước nguy cơ bị sa thải.
Xuất khẩu dự báo còn gặp nhiều khó khăn, thách thức
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, tình trạng thất nghiệp trong năm nay sẽ được chia thành 2 tình huống: một là nếu tình hình dịch tốt hơn, sẽ có khoảng 100 - 150 nghìn lao động bị mất việc, ngược lại, con số này sẽ là 180.00-200.000. Tình huống thứ 2 có vẻ như sẽ dễ xảy ra khi ghi nhận thực tế từ các doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giầy, gỗ… những ngành này tiếp tục khó khăn khi đơn hàng cho những tháng cuối năm sụt giảm, có nơi còn không nhận được đơn hàng nào.
Trong ngành gỗ, từ tháng 4 đến nay, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU đều thông báo hủy, giảm, hoãn vô thời hạn các đơn hàng đã ký. Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa luôn xưởng làm hàng xuất khẩu.
Khảo sát tình hình chung của các doanh nghiệp trong các ngành như dệt may, ngành da giầy và chế biến xuất khẩu gỗ, thủy sản, mức giảm nhân sự từ đây đến cuối năm sẽ dao động từ 20-40%.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết: "Có thể nói, doanh nghiệp đang ở trong trạng thái thấm bệnh, bản chất kinh doanh muốn tiêu thụ được vốn phải có thị trường, thị trường hiện nay bị thu hẹp rất nhiều, thị trường nước ngoài khó khăn, thị trường trong nước thì nhỏ".
Dự báo tình hình sắp tới, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, khó khăn sẽ còn tiếp diễn, đà phục hồi thị trường xuất khẩu từ đây đến cuối năm vẫn rất khó khăn. Điểm tích cực của xuất khẩu mà ông Thành dự báo là nếu như tình hình đại dịch trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Singapore… được kiểm soát tốt, chính sách kinh tế các nước bắt đầu có tác dụng, sức cầu sẽ được hồi phục trở lại. Đây là cánh cửa mở mà Việt Nam có thể tận dụng để cải thiện tình hình xuất khẩu.
Bài toán ứng phó nào cho doanh nghiệp xuất khẩu?
Câu hỏi được đặt ra lúc này, các doanh nghiệp xuất khẩu như trên cần phải làm gì? Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia đã đưa ra một bức tranh giải pháp cho 3 giai đoạn, ngắn hạn, trung và dài hạn. Cụ thể, dựa trên tình hình của từng doanh nghiệp, trong ngắn hạn: đó là bài toán cơ cấu lại thị trường, chi phí và đầu tư. Trung hạn: doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược thị trường xuất khẩu và dài hạn: đó là việc xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh và tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong bối cảnh mới hậu COVID.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phải tiếp tục có đề xuất về gói tài khóa, các giải pháp hoãn, giảm, miễn thuế lần 2 để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19. Để gói hỗ trợ, nếu có, được hiệu quả hơn, theo các chuyên gia, cần phải tách bạch ra khó khăn của từng lĩnh vực ngành nghề, để đi vào trọng tâm, thứ hai nữa là cần phải có những cách làm nhanh hơn các gói hỗ trợ đang được triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!