Cắt giảm nhân công ngành hàng không Pháp: “Chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội”

Việt Linh - Thùy Linh-Thứ ba, ngày 07/07/2020 07:03 GMT+7

VTV.vn - Ngành hàng không Pháp đang phải đối mặt với những tranh cãi gay gắt khi cắt giảm hàng loạt nhân công.

Ngành hàng không Pháp chao đảo vì biểu tình

Dịch COVID-19 đang là cơn bão lớn chưa từng có với ngành hàng không toàn cầu và nhiều tên tuổi đã phải chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng, thu hẹp sản xuất, tinh giản nhân sự để tránh nguy cơ sụp đổ.

Tuy nhiên, việc này cũng đẩy thêm gánh nặng lên hàng nghìn người lao động bị cắt giảm, tạo ra những tranh cãi không có hồi kết. Các cuộc biểu tình đối với hãng hàng không Air France của Pháp mới đây là một ví dụ.

Cắt giảm nhân công ngành hàng không Pháp: “Chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội” - Ảnh 1.
Cắt giảm nhân công ngành hàng không Pháp: “Chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội” - Ảnh 2.

Hàng nghìn người lao động tập trung giơ biểu ngữ, hô khẩu hiệu phản đối việc Air France cắt giảm nhân công.

Bất chấp dịch bệnh chỉ vừa mới được kiểm soát, những ngày này trước các văn phòng và trụ sở làm việc của Air France là một bầu không khí nóng bỏng. Hàng nghìn người lao động tập trung giơ biểu ngữ, hô khẩu hiệu yêu cầu hãng hàng không lớn nhất nước Pháp thay đổi kế hoạch cắt giảm 7.500 nhân sự tại đơn vị chính và chi nhánh giá rẻ Hop.

Các công đoàn cho rằng, không chỉ Air France, mà hàng loạt lao động trong nhiều lĩnh vực khác cũng sẽ bị tác động từ quyết định.

"Mỗi việc bị cắt giảm tại Air France sẽ dẫn đến 3 - 5 công việc bị mất đi ở các đối tác hoặc nhà thầu phụ. Đó là một thảm họa thực sự với chúng tôi", bà Karine Monsegu - Đại diện Công đoàn hàng không nói.

"Chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội"

Một lý do nữa đến từ việc các doanh nghiệp lớn như Air France đều nhận được hàng tỷ Euro từ chính phủ nhằm cứu trợ hoạt động trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, trong khi tiền chảy vào túi doanh nghiệp, người lao động lại phải chịu thiệt do các đợt cắt giảm nhân sự.

"Chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội bởi Chính phủ đã không ràng buộc ban lãnh đạo Air France phải bảo vệ nếu muốn nhận được tiền hỗ trợ. Mục tiêu của các gói hỗ trợ không phải là cắt giảm việc làm", bà Valerie Raphel - nhân viên hãng hàng không Air France bày tỏ..

Cắt giảm nhân công ngành hàng không Pháp: “Chúng tôi cảm thấy mình bị phản bội” - Ảnh 3.

Hàng không Pháp chịu tác động nặng nề vì COVID-19. Ảnh: Le Monde

Việc toàn ngành hàng không rơi vào khủng hoảng đang là một bài toán rất đau đầu đối với Pháp nói riêng và EU nói chung. Trước đó, kế hoạch của Air France - gã khổng lồ sản xuất máy bay châu lục Airbus cũng đã phải tuyên bố sẽ cắt 15.000 việc làm vì nhu cầu sụt giảm, trong đó có đến 1/3 là tại Pháp, buộc chính phủ phải sớm đưa ra động thái.

"Cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, có thể phải 3 - 5 năm nữa mới có thể phục hồi. Chính phủ Pháp ủng hộ Airbus, nhưng chúng tôi cũng muốn việc cắt giảm nhân sự là ít nhất có thể", ông Jean-Baptiste Djebbari - Thứ trưởng Giao thông Pháp nói

Chính phủ Pháp hiện sở hữu cổ phần trong cả Airbus lẫn Air France và đại diện Air France cùng với giới chức đang thảo luận các bước đi tiếp theo nhằm giải quyết thế bế tắc hiện nay.

Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France dự định cắt giảm hơn 7.500 nhân sự, trong nỗ lực tái cấu trúc sau khi đã chịu tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, hơn 7.500 việc làm sẽ bị cắt giảm, gồm 6.560 tại Air France và 1.025 tại Hop! - chi nhánh chuyên thực hiện các chuyến bay liên vùng tại Pháp.

Theo chuyên gia tư vấn về vận tải hàng không, trường hợp của Air France chưa phải là tồi tệ nhất, so với việc hãng hàng không British Airways (Anh) đã cắt giảm 12.000 nhân sự và Lufthansa (Đức) cắt giảm 22.000 nhân sự.

Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn là cú sốc mạnh vì Air France chưa bao giờ tuyên bố cắt giảm nhiều nhân sự trong cùng một lúc như vậy.

Áp lực đang đè nặng lên Hop! gồm 2.500 nhân viên - tình cảnh tồi tệ hơn nhiều so với Air France, nơi có 42.000 người lao động. Liên quan đến Hop!, 2 trong số 3 địa điểm bảo dưỡng máy bay - tại Morlaix và Lille - dự kiến sẽ đóng cửa.

Nhiều đường bay của Hop! sẽ "biến mất" vì 2 lý do: Không có lãi và Air France không có giải pháp nào khác để thực hiện cam kết giảm 50% lượng khí thải CO2 trên các chuyến bay nội địa vào năm 2024.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước