Châu Âu kêu gọi tăng cường kết nối thị trường tài chính

VTV Digital-Thứ tư, ngày 27/11/2024 11:08 GMT+7

VTV.vn - Theo ECB, nếu tỷ lệ tiền gửi trên tài sản tại châu Âu chỉ ngang bằng với Mỹ, hơn 8.000 tỷ Euro có thể đổ vào thị trường vốn, tương đương khoản đầu tư 350 tỷ euro/năm.

Trong vài năm gần đây, quá trình kết nối thị trường tài chính giữa các thành viên Liên minh châu Âu EU ngày càng là một chủ đề quan trọng. Các nhà lãnh đạo của khối đang kỳ vọng, đây sẽ là chìa khóa để giải phóng từ hàng trăm tới hàng nghìn tỷ Euro vốn đầu tư cho các lĩnh vực cấp thiết và nhiều tiềm năng như công nghệ bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo AI. Điều này tiếp tục được đề cập trong phát biểu gần đây của người đứng đầu Ngân hàng trung ương châu Âu ECB.

Tại Hội nghị Ngân hàng châu Âu thường niên vừa diễn ra tại Frankfurt, bài phát biểu của chủ tịch ECB Christine Lagarde là một trong những sự kiện trọng tâm. Trong đó, bà Lagarde đã một lần nữa đưa ra những lời kêu gọi về việc tăng cường kết nối thị trường vốn giữa các nước thành viên.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết: "Điều chúng ta đang phải đối mặt, đó là những vấn đề của ngày mai đã ở ngay hôm nay. Trong hoàn cảnh đó, tính cấp thiết của việc hội nhập thị trường vốn lại càng tăng thêm".

Hiện phần lớn nguồn tiết kiệm tại châu Âu đang đổ vào các tài sản rủi ro thấp. Ước tính hơn 1/3 tổng tài sản tài chính của người dân châu Âu nằm dưới dạng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, so với chỉ 1/10 tại Mỹ. Theo ước tính của ECB, nếu tỷ lệ tiền gửi trên tài sản tại châu Âu chỉ ngang bằng với Mỹ, hơn 8.000 tỷ Euro có thể đổ vào thị trường vốn, tương đương khoản đầu tư 350 tỷ euro mỗi năm. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất chính là việc khối thiếu vắng 1 thị trường tài chính hội nhập với ít rào cản pháp lý.

Phát biểu của bà Lagarde cũng được đưa ra trong bối cảnh, nền kinh tế EU - vốn có độ mở lớn đang được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức thời gian tới, đặc biệt là khi các cam kết tăng cường bảo hộ thương mại và áp thuế nhập khẩu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể tác động đến dòng chảy thương mại. Trong bối cảnh đó, giải phóng nguồn vốn đầu tư được xem là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường nội địa và giảm các áp lực từ bên ngoài.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng: "Dù các ngân hàng vẫn có vai trò quan trọng, thị trường vốn hội nhập là một công cụ cần thiết, đặc biệt là để tài trợ cho các phát kiến sáng tạo ở giai đoạn đầu. Chúng tôi cho rằng, đây là mắt xích còn thiếu để đưa khoản tiết kiệm lớn của người dân châu Âu thành vốn đầu tư, tăng nguồn tài sản và kéo tiêu dùng nội địa đi lên".

Trong những năm gần đây, các nỗ lực thảo luận nhằm tăng cường tích hợp về chính sách tài chính giữa các nước thành viên cũng đang được đẩy mạnh. Tuần trước, một số nền kinh tế lớn như Pháp, Italy và Tây Ban Nha được cho là đã bày tỏ sự ủng hộ với việc phát hành trái phiếu chung toàn khối, nhằm tài trợ vốn cho những lĩnh vực quan trọng như quốc phòng và an ninh năng lượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước