Chính phủ kiến nghị chuyển 3 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Đức Chung-Thứ ba, ngày 09/06/2020 14:26 GMT+7

Phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng 9/6 .(Ảnh: quochoi.vn)

VTV.vn - Ba dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam được chọn chuyển đổi sang đầu tư công là Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây – Phan Thiết.

Sáng nay (9/6), thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã trình Quốc hội phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó có việc chuyển đổi ba dự án PPP sang đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

Ba dự án được đề xuất chuyển hình thức từ BOT sang đầu tư công là các đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dầu Giây - Phan Thiết. Sở dĩ ba dự án này cần chuyển sang đầu tư bằng ngân sách Nhà nước bởi có một dự án không có nhà đầu tư nào lọt qua sơ tuyển và hai dự án khác có tính quan trọng, cấp bách, kết nối với cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ kiến nghị chuyển 3 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công - Ảnh 1.

Sáng nay, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương chuyển đổi 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. Nêú được thông qua, các dự án có thể khởi công sớm nhất vào tháng 9 tới đây. Ảnh: Dân trí.

Trên cơ sở cập nhật lại các chi phí đầu tư, việc chuyển đổi này sẽ khiến tổng mức đầu tư của cao tốc Bắc - Nam giảm khoảng 1.700 tỷ đồng, xuống còn xấp xỉ 101.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước sẽ tham gia gần 78.500 tỷ đồng và vốn ngoài ngân sách sẽ là gần 22.400 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách sẽ phải bổ sung thêm gần 23.500 tỷ đồng ngoài khoản đã được Quốc hội phê duyệt trước đây.

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi ba dự án từ PPP sang đầu tư công thì các dự án này có thể được khởi công sớm nhất vào tháng 9 tới đây. Còn 5 dự án PPP cũng đang chuẩn bị bán hồ sơ mời thầu đối với các nhà đầu tư đã qua sơ tuyển.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là hiện nay vốn của hệ thống ngân hàng cấp cho BOT ngày càng hạn hẹp. Do đó, kể cả khi có nhà đầu tư trúng thầu nhưng sau đó không thể vay được vốn thì cũng không khởi công được và buộc phải hủy thầu để tiếp tục xin chủ trương chuyển đổi sang đầu tư công hoặc tiếp tục đầu thầu lần 2. Nếu như vậy, có thể đến giữa năm 2022 mới có thể khởi công các dự án này khiến tuyến cao tốc sẽ về đích muộn hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước