Cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp

VTV Digital-Thứ năm, ngày 26/09/2024 07:27 GMT+7

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh buộc phải chuyển đổi công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Chủ đề Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 của TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 25/9.

Theo Nghị quyết của Bộ Chính Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tăng trưởng bình quân của TP Hồ Chí Minh phải đạt khoảng 8%-8,5%/năm. Để đạt được mục tiêu này, và tiếp tục giữ vai trò đầu tàu kinh tế, TP Hồ Chí Minh buộc phải chuyển đổi công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Đây cũng là chủ đề Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 của TP Hồ Chí Minh vừa được tổ chức ngày 25/9.

Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức. Diễn đàn năm nay có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành; cùng 1.500 đại biểu gồm các định chế tài chính, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ, chuyển đổi công nghiệp và phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự phiên Khai mạc toàn thể và phiên đối thoại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh lần thứ 5.

Tỷ trọng xuất khẩu của TP Hồ Chí Minh đến năm 2023 chỉ còn 12%. Tỉ trọng đóng góp của GRDP còn 15%-16%. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp trong nền kinh tế đến nửa đầu 2024 còn 17,8%. Những năm qua, kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển cơ bản theo chiều rộng, nhưng hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu. Diện tích đất khu công nghiệp trên địa bàn chỉ gần 6.000 ha, chiếm 2,81% so với cả nước với chi phí đất tăng đáng kể. Thực trạng này đòi hỏi kinh tế TP Hồ Chí Minh phải chuyển đổi.

Lãnh đạo Thành phố cho biết, chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu.

Thâm dụng lao động đã từng được xem là lợi thế thu hút vốn đầu tư của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên theo các chuyên gia trong bối cảnh kinh tế hiện nay, TP Hồ Chí Minh bắt buộc phải thay đổi hướng đi. Tìm các động lực thúc đẩy tăng trưởng mới bằng cách thâm dụng công nghệ, thâm dụng nguồn vốn thay vì thâm dụng lao động như trước.

Cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp - Ảnh 1.

Chuyển đổi máy móc, công nghệ là do nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường để phát triển.

Là một doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực nhựa, bao bì, 20 năm qua công ty Nam Thái Sơn không ngừng chuyển đổi máy móc, công nghệ phần lớn là do nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Sau 20 năm chuyển đổi, từ con số 200 tấn xuất khẩu mỗi tháng, giờ đã đạt con số 1.500 tấn, tăng hơn 7 lần.

Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc công ty Nam Thái Sơn cho hay: "Trước đây thì bán có 1.200 USD, bây giờ thì có thể bán 2.000USD/tấn. Mà muốn bán 2.000USD thì sản phẩm phải cao cấp. Anh phải quyết tâm thay đổi thiết bị và công nghệ, nếu không nắm bắt là không được, có nghĩa là từ thủ công sang bán tự động và bắt buộc phải sang tự động. Nếu không thì mãi mãi anh đi làm hàng rẻ tiền, và loay hoay với những máy móc cũ và những người lao động phổ thông".

70% sản lượng hàng hóa xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Tất cả là do doanh nghiệp đã mạnh dạn thay đổi hoàn toàn các dây chuyền sản xuất, vốn đầu tư cho chuyển đổi công nghệ lên tới hàng chục triệu USD. Kết quả, trong 5 năm qua, doanh thu của Bình Tây Food đã tăng 300%.

"Bắt buộc doanh nghiệp cần phải chuyển đổi công nghệ và chúng tôi ý thức được điều này đã từ lâu. Và trong 5 năm trở lại đây là liên tục đổi mới, liên tục đào tạo nguồn nhân lực, liên tục nhận những người có trình độ và thậm chí mời chuyên gia để về đào tạo những khóa học liên tục", bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Bình Tây Foods cho hay.

Tìm kiếm thị trường, và khả năng tự chuyển đổi của nhiều doanh nghiệp thời gian qua là 1 trong các lợi thế cho quá trình chuyển đổi công nghiệp của TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, thời gian qua Thành phố cũng đã thực hiện các chính sách chuyển đổi dần như di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm, thâm dụng lao động.

Đánh giá chuyên gia tại diễn đàn, Thành phố có nhiều cơ hội lớn nhưng hành trình chuyển đổi này chỉ đang ở bước khởi đầu. Do đó, cần 1 chiến lược toàn diện hơn với các chính sách cụ thể để chuyển đổi lâu dài, và mang tính hệ thống.

Ông Phạm Bình An - Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết: "Rõ ràng là TP Hồ Chí Minh đã nhận thức được và có những chính sách hỗ trợ cho chuyển đổi thời gian qua. Hiện nay quy hoạch TP Hồ Chí Minh và định hướng phát triển công nghiệp đang vào giai đoạn cuối, thì cái này nó sẽ có những ngành nghề ưu tiên để có tập trung nguồn lực phát triển. Và quan trọng là các chính sách nó nhanh chóng hoàn tất và đồng bộ với nhau".

Lãnh đạo Thành phố cho rằng, trước mắt Thành phố phải tập trung vượt qua 3 thử thách lớn: Nhanh chóng cải tiến hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là giao thông; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Cải cách thủ tục hành chính và có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đến năm 2030, Thành phố cũng đặt mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao từ 23% lên 40%.

Một sự kiện quan trọng trong diễn đàn lần này là sự ra đời của Trụ sở Dự án trụ sở trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP Hồ Chí Minh, được đặt tại Khu Công nghệ cao. Đây là dự án hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và Diễn đàn Kinh tế Thế giới được lãnh đạo Thành phố kỳ vọng đây sẽ trở thành địa chỉ đáng tin cậy và hiệu quả để thúc đẩy hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế.

Đề xuất các chính sách cho chuyển đổi công nghiệp

Cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp - Ảnh 2.

TP Hồ Chí Minh cần tận dụng sức mạnh lan tỏa từ các FDI để phát triển kinh tế.

Xây dựng trung tâm công nghiệp lần thứ 4 - xây dựng hạ tầng số là một vấn đề quan trọng trong hệ sinh thái 3 nhóm vấn đề mà Tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị, để chuyển đổi công nghiệp thành công. Các vấn đề còn lại là khung chính sách phù hợp, và xây dựng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Ông Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho biết: "Chúng ta muốn sản xuất chip bán dẫn, chúng ta muốn làm AI, chúng ta phát triển internet vạn vật…, tất cả những cái đó phải có nguồn nhân lực tương xứng được đào tạo. 3 cái nhóm đó cộng lại hình thành hệ sinh thái cho chuyển đổi, cái trông chờ ở diễn đàn kinh tế hôm nay".

Việc chuyển đổi công nghiệp hiện nay phải luôn gắn liền với chuyển đổi năng lượng cùng với đó phải có cơ chế, chính sách kích cầu đầu tư. Do đó, việc xây dựng các quy định, chính sách cụ thể về các tiêu chí chuyển đổi như chuyển đổi xanh sẽ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ dàng hơn với các gói hỗ trợ tài chính.

Ông Võ Hoàng Hải - Phó tổng giám đốc Nam Á Bank cho hay: "Ví dụ người ta đã được chứng nhận là doanh nghiệp xanh thì việc Thành phố hay Chính phủ kết nối để người ta có thể tiếp cận với các định chế tài chính trong và ngoài nước thì người ta được chính sách riêng biệt thì nó sẽ tạo sự lan toả".

Đại diện các chuyên gia diễn giả quốc tế nhấn mạnh điểm quan trọng cho quá trình chuyển đổi công nghiệp Thành phố: chú trọng chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống; và chuẩn bị nguồn nhân lực.

Tiến sĩ Camerlo Ferlito, Giám đốc điều hành Trung tâm Giáo dục thị trường Malaysia (CME) nhấn mạnh: "Tôi muốn nhấn mạnh là không chỉ tập trung vào những gì thường được gọi là đổi mới như trí tuệ nhân tạo hoặc nền kinh tế tuần hoàn, mà còn rất chú ý đến chuyển đổi công nghiệp trong các lĩnh vực truyền thống và cố gắng hiện đại hóa nông nghiệp, vì sản xuất và nông nghiệp là xương sống của mọi chuyển đổi công nghiệp bền vững".

"Xem xét xây dựng hệ thống dữ liệu về các công việc xanh, và hệ thống dữ liệu đấy theo kinh nghiệm của tôi thì thấy là rất tốt trong việc thu hút nhân tài và thu hút đầu tư trên toàn thế giới", bà Trang Nguyễn - Trưởng nhóm Đông Nam Á của Trung tâm Climateworks cho hay.

Bà Kiva Allgood - Trưởng TT SX và chuỗi cung ứng tiến tiến, Uỷ Ban điều hành, Diễn đàn kinh tế Thế giới cho biết: "Chúng ta cần đầu tư xây dựng lực lượng lao động, con người, đào tạo mới và tái đào tạo cho lực lượng lao động hiện hữu. Kết hợp giữa công ty tư nhân và các trường đại học, hợp tác công tư đào tạo con người từ cấp thấp đến cao để tham gia kinh tế số".

Các diễn giả quốc tế cũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần tận dụng sức mạnh lan tỏa từ các FDI, công nghệ, kinh nghiệm và trong đó có cả việc các FDI có thể chia sẻ hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra, Thành phố cũng cần tích hợp công nghệ vào quy hoạch đô thị, ưu tiên tính bền vững, cơ chế đặc biệt như Nghị quyết 98 để thúc đẩy các sáng kiến.

Tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chuyển đổi công nghiệp

Cơ hội, thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghiệp - Ảnh 3.

Nhiều nhóm giải pháp quan trọng để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghiệp đã được Thủ tướng nêu ra tại Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Tham dự và kết luận phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao TP Hồ Chí Minh đã tổ chức rất thành công Diễn đàn kinh tế lần thứ 5, Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra nhiều nhóm giải pháp quan trọng để hỗ trợ chính quyền TP Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Trong đó lưu ý đến tính đặc thù của TP Hồ Chí Minh. Với vai trò là đầu tàu kinh tế, Thành phố cũng phải được hỗ trợ các chính sách, cơ chế đặc thù để có khả năng tạo ra đột phá về tăng trưởng.

Đồng tình cao với ý kiến của các đại biểu về yêu cầu chuyển đổi công nghiệp toàn diện tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi công nghiệp phải vừa làm mới các ngành công nghiệp truyền thống vừa phải phát triển các ngành công nghiệp mới với khái niệm rộng hơn liên quan tới các lĩnh vực mới như kinh tê số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, tuần hoàn, kinh tế ban đêm, phát triển công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa. Để chuyển đổi hiệu quả Thủ tướng nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng với Thành phố.

Về trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành Thủ tướng nêu rõ, phải xây dựng thể chế cùng Thành phố, ưu tiên về cơ chế chính sách để tiếp tục phát huy nguồn lực của Thành phố. Thủ tướng mong các đối tác phát triển ủng hộ TP Hồ Chí Minh và Việt Nam về ưu đãi tài chính, từng bước chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại, góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ và 4 cùng đó là: cùng lắng nghe thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng; cùng chiến thắng, cùng phát triển, cùng có niềm vui hạnh phúc và tự hào.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước