Cổ phiếu thủy sản còn dư địa “dậy sóng”?

Phương Nam-Thứ sáu, ngày 10/12/2021 11:32 GMT+7

VTV.vn - Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngành thủy sản khả năng sẽ gặp áp lực điều chỉnh và hiện chưa xác lập được đà tăng.

Ngoài nhóm dịch vụ tài chính, các nhóm liên quan đến xuất khẩu cũng được kỳ vọng hưởng lợi trong giai đoạn cuối năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã có sự phục hồi mạnh mẽ từ đầu quý 4 năm nay, xuất khẩu tăng mạnh tới 18% trong tháng 11 vừa qua giúp tổng kim ngạch tính từ đầu năm chạm mốc 8 tỷ USD. Kết quả này giúp hàng loạt cổ phiếu thủy sản đã vượt qua các đỉnh giá từ khi niêm yết.

Sau Nghị quyết 128, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đã nhanh chóng hồi phục. Cùng với đó, giá cá tra và giá tôm sau chu kỳ dài tạo đáy đã tăng lên đáng kể. Cá tra phi lê xuất khẩu sang Mỹ đã tăng lên mức 3,5 USD/kg, tăng 50% so với cùng kỳ. Nhu cầu đơn hàng rất lớn đến từ nhiều thị trường, đặc biệt là khu vực châu Mỹ.

"Nhu cầu tất cả thị trường hiện đang quá lớn, quá mạnh. Chúng tôi dự đoán, xuất khẩu thủy sản vẫn sẽ tăng khoảng 6%, đạt khoảng trên 822 triệu USD. Với mức đó, hết năm 2021, xuất khẩu thủy sản có thể cán đích ở mức trên 8,8 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020", bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đánh giá.

Cổ phiếu thủy sản còn dư địa “dậy sóng”? - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã có sự phục hồi mạnh mẽ từ đầu quý 4 năm nay, xuất khẩu tăng mạnh tới 18% trong tháng 11 vừa qua giúp tổng kim ngạch tính từ đầu năm chạm mốc 8 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Bức tranh xuất khẩu tích cực cùng lượng đơn hàng dồi dào đến giữa năm sau khiến nhóm cổ phiếu thủy sản "thi nhau" vượt qua các đỉnh giá từ khi niêm yết. Đơn cử như VHC của Vĩnh Hoàn đã tăng hơn 75% chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng, "vua tôm" MPC cũng đã từng tiến sát vùng 50.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 70% so với đầu năm. Bên cạnh đó, ANV, IDI, FMC cũng đã làm nên kỷ lục từ khi chào sàn.

Tuy nhiên, cổ phiếu nhóm ngành này đã dịu lại, thậm chí một số mã đầu cơ tăng giá theo kỳ vọng ngành, nhưng không trên nền tảng tăng trưởng lợi nhuận thực chất như IDI đã liên tiếp "nằm sàn" trong hơn 1 tuần trở lại đây.

"Khi cổ phiếu đạt đỉnh, tức là họ đã dự kiến đến hết nửa đầu năm sau, kết quả kinh doanh đã rất tốt. Vì vậy, để đạt được mức P/E cao như vậy cũng sẽ rất khó, chưa chắc vượt đỉnh", chị Trần Thùy Trang, chuyên viên phân tích, Công ty CP Chứng khoán SSI, cho hay.

Tuy nhiên, có những phân tích lại mở ra nhiều kỳ vọng về các mức đỉnh mới của cổ phiếu thủy sản trong trung và dài hạn khi cho rằng, định giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp vẫn đang ở mức khá thấp so với mặt bằng chung.

"Đối với những doanh nghiệp tập trung vào thị trường có tính ổn định và có biên lợi nhuận gộp cao như Mỹ và EU, đang có mức định giá trung bình từ 13 - 14 lần, vẫn thấp hơn mức P/E trung bình của thị trường là hơn 17 lần. Nhóm ngành sản xuất thực phẩm đang ở mức xấp xỉ 25 lần", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định.

Dù vậy, sự phân hóa giữa các doanh nghiệp thủy sản sẽ ngày một rõ nét. Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngành này khả năng sẽ gặp áp lực điều chỉnh và hiện cũng chưa xác lập được đà tăng.

Năm 2021: Xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt hơn 8,7 tỷ USD Năm 2021: Xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt hơn 8,7 tỷ USD

VTV.vn - Năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản dự kiến tăng khoảng 4,1% so với năm 2020, đạt hơn 8,7 tỷ USD.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước