Linh kiện sản xuất tại Việt Nam nếu đạt tỷ lệ 45% sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu 0%
Câu chuyện về TPP tác động ra sao đến công nghiệp Việt Nam đã được các chuyên gia cùng doanh nghiệp đề cập tới tại diễn đàn "Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.
Theo lộ trình, đến năm 2018 sản phẩm ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + sẽ giảm xuống mức 0 và 5% nhưng với việc tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), câu chuyện này sẽ khác. Vì khi đó các linh kiện sản xuất tại Việt Nam nếu đạt tỷ lệ 45% sẽ được hưởng thuế xuất nhập khẩu 0% khi vào thị trường các nước nội khối TPP.
Ông Nguyễn Văn Quý, GĐ Đối ngoại và Truyền thông Công ty THHH General Motors Vietnam, cho rằng: “Hiệp định TPP mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như cơ hội để nhập khẩu linh kiện ở các nước thành viên tham gia TPP, khiến giá thành sản xuất ô tô trong nước sẽ thấp hơn”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều cơ hội mà TPP được nhận định sẽ mang lại đối với ngành sản xuất ô tô nói riêng thuộc khối công nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc tham gia TPP sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam mở rộng chuỗi cung ứng của mình.
Tuy nhiên để tận dụng được những cơ hội đó thì các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam ngoài việc phải tuân thủ luật chơi chung mà TPP đề ra cũng cần một quá trình chuẩn bị lâu dài, trong đó điều quan trọng nhất được nhận định chính là yếu tố con người khi các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó có khả năng cạnh tranh ngay lập tức về quy mô vốn, kinh nghiệm hay công nghệ với các doanh nghiệp nước ngoài.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!