Ném chất bẩn, đe dọa, uy hiếp để đòi nợ… đây là hành vi của những bên cho vay không chính thống, thường được gọi là tín dụng đen. Còn đối với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước không cho phép sử dụng các biện pháp đe dọa người vay.
Cho vay hơn 5 triệu khách hàng, công ty tài chính FE Credit cho biết, với những khoản nợ quá hạn qua 180 ngày không trả, nhân viên mới được phép tới nhà người vay hoặc sẽ chuyển cho bên thứ 3 để thu hồi nợ và không được phép nhắc nợ ngoài khoảng thời gian từ 7h - 21h.
Công ty tài chính FE Credit quy định không được phép nhắc nợ ngoài khoảng thời gian từ 7h - 21h.
"Trong trường hợp đối tác vi phạm, chúng tôi có chế tài chặt chẽ như cắt giảm phí, đưa họ vào danh sách đen và không hợp tác. Trong trường cá nhân hay đối tác có vi phạm pháp pháp luật sẽ chuyển hồ sơ cho các bên điều tra", ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính FE Credit nói.
Từng tiếp nhận hàng trăm vụ đòi nợ, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty luật Basico - cho biết thông tư 43 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định cụ thể hành vi đòi nợ nào được phép hay bị nghiêm cấm nhưng quan trọng là khâu giám sát. Thủ tục cho vay hiện khá đơn giản, nhiều lời mời chào được dán ngay trên cột điện. Do đó, nếu người dân không tìm hiểu kỹ lãi suất khi vay, sẽ dễ chịu rủi ro.
NHNN không cho phép các tổ chức tín dụng không được siết nợ theo kiểu "xã hội đen".
Luật đầu tư mới vừa được Quốc hội thông qua đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ bắt đầu từ năm 2021. Quy định này sẽ hạn chế hành vi đe dọa siết nợ, gây mất trật tự xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, các công ty cho vay sẽ phải siết chặt hơn quy trình cho vay. Đồng thời, các chế tài xử phạt người vay cố tình chây ì, không trả nợ cần thực hiện nghiêm.
Khi không được chuyển nợ cho bên đòi nợ thuê, các chuyên gia cũng lưu ý các công ty tài chính cần phối hợp với chính quyền đia phương, các đoàn thể xã hội để đốc thúc cho vay và thu hồi nợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!