COVID-19 đã thay đổi thói quen tài chính và sử dụng thẻ tín dụng của mọi người như nào?

TTXVN-Thứ hai, ngày 29/03/2021 08:17 GMT+7

VTV.vn - Xu hướng chuyển sang ngân hàng kỹ thuật số đã được đẩy nhanh do tác động của đại dịch COVID-19.

Đã hơn một năm kể từ khi các quy định phong tỏa xã hội liên quan đến đại dịch COVID-19 được áp dụng trên khắp thế giới. Trong khi thói quen chi tiêu của người tiêu dùng được phân tích kỹ lưỡng kể từ thời gian bùng phát đại dịch, những hành vi liên quan đến dịch vụ ngân hàng của họ dường như lại bị bỏ qua.

Công ty tài chính FIS Global vừa thực hiện cuộc khảo sát để xem đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động tài chính của người tiêu dùng và cách họ sử dụng thẻ tín dụng.

Người đứng đầu mảng tài chính ngân hàng thế hệ mới của FIS, Andrew Beatty, cho biết, kết quả khảo sát cho thấy xu hướng chuyển sang ngân hàng kỹ thuật số đã được đẩy nhanh do tác động của đại dịch.

Theo FIS, 37% trong số những người được khảo sát đã bắt đầu sử dụng dịch vụ của một ngân hàng nhà nước chủ chốt hoặc quốc tế trong 12 tháng qua, và những ngân hàng này đều được thiết lập cổng thông tin trực tuyến khá tốt. 18% số người được hỏi cho biết họ đã mở một tài khoản với một ngân hàng chỉ hoạt động theo hình thức trực tuyến.

Người tiêu dùng đẩy mạnh việc mở tài khoản ngân hàng, nhưng việc sử dụng thẻ tín dụng lại giảm mạnh. Ông Beatty nói rằng, thế hệ người thuộc Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) thực sự đứng phía sau. Ông cho biết, vào thời điểm này năm ngoái, 31% số người thuộc Gen Z không sở hữu thẻ tín dụng, và hiện giờ tỷ lệ này là 55%. Tính trong tháng 4/2020, 14% số người thuộc các độ tuổi khác nhau không có thẻ tín dụng, trong khi tỷ lệ này có thể tăng lên 21% vào tháng Tư năm nay.

Beatty cho biết, các công ty tài chính nên thích ứng với những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là đối với Gen Z. Việc đổi mới cách thức thanh toán như "mua ngay, trả sau" có thể thu hẹp khoảng cách tín dụng đối với thế hệ trẻ đang hạn chế sử dụng thẻ tín dụng truyền thống.

FIS dự đoán hình thức "mua ngay, trả sau" sẽ chiếm 4% tổng số giao dịch thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2024. Tại Mỹ FIS ước tính loại hình thanh toán này sẽ chiếm 5% giao dịch vào năm 2024, tăng từ mức tương ứng 2% hiện tại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước