Tuần qua, Quốc hội đã lắng nghe tờ trình của Chính phủ và thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam Vietnam Airlines.
Về cơ bản, Quốc hội đã nhất trí với phương án gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng mà Chính phủ đề xuất. Một điểm đáng lưu ý đó là khâu thanh tra giám sát: trách nhiệm thanh tra của Chính phủ và trách nhiệm giám sát của Quốc hội để đảm bảo lộ trình phục hồi 3 năm của Vietnam Airlines theo kế hoạch.
Vietnam Airlines có thể phá sản trong quý IV nếu không được hỗ trợ
Hàng không được cho là ngành nghề chịu tác động đầu tiên bởi dịch COVID-19, với Vietnam Airlines, tính đến cuối tháng 9 năm nay, tổng dòng tiền thâm hụt đã lên đến hơn 11.600 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản nợ quá hạn chưa thanh toán.
Dự kiến cả năm nay, dòng tiền của Vietnam Airlines sẽ thâm hụt khoảng 14.500 - 15.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cho biết hiện dư địa để cắt giảm chi phí đầu vào và tăng doanh thu đều đã tới ngưỡng, bởi tất cả các giải pháp quản trị doanh thu có thể thực hiện cũng đều đã được thực hiện hết, trong bối cảnh thị trường nội địa đã tăng trưởng ở mức 75%.
Nếu không kịp thời có hỗ trợ tài chính trong quý IV này, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ rơi vào tình cảnh mất khả năng thanh toán, thậm chí là có thể phá sản như nhiều hãng hàng không khác trên thế giới.
Nếu không kịp thời có hỗ trợ tài chính trong quý IV, Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ phá sản. (Ảnh: Dân trí)
Thời gian qua dư luận vẫn nhắc nhiều tới khoản hỗ trợ 12.000 tỷ đồng do Vietnam Airlines đề xuất được Chính phủ hỗ trợ. Trong đó, 4.000 tỷ đồng là vay ưu đãi và 8.000 tỷ đồng là tăng vốn điều lệ. Cơ chế hỗ trợ như thế nào cũng là nội dung được các chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Vietnam Airlines đã báo cáo Chính phủ, kiến nghị được Chính phủ bảo lãnh để vay ít nhất 4.000 tỷ đồng với lãi suất thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp. Thời gian vay tối thiểu là 3 năm. Đây là cơ chế vừa đảm bảo vai trò là cơ quan quản lý của Chính phủ, hỗ trợ nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo tính thị trường, khi Chính phủ không cho vay trực tiếp, mà chỉ đứng ra bảo lãnh.
Với vai trò là chủ sở hữu 86% vốn của Vietnam Airlines, Chính phủ đã có những chỉ đạo để hãng bay này buộc phải tái cơ cấu, đảm bảo khả năng trả nợ cho khoản vay này.
Cùng với đó, hãng hàng không quốc gia cũng kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, bằng cách sử dụng vốn Nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hay doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần. Quy mô phát hành sẽ được cân đối với phương án vay để đảm bảo tổng vốn hỗ trợ đạt 12.000 tỷ đồng.
Rõ ràng hiện vẫn chưa có quyết định chính thức cuối cùng về các phương án hỗ trợ tài chính này, tuy nhiên, nguồn lực đã sẵn sàng. Phía SCIC mới đây đã chính thức lên tiếng khẳng định điều này. Những gì còn lại là một số nút thắt pháp lý và trình tự thủ tục cần phải thực hiện.
SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines giúp khơi thông dòng vốn Nhà nước
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến đầu tư 6.800 tỷ đồng vào Vietnam Airlines thông qua mua cổ phần phát hành thuộc quyền mua của cổ đông Nhà nước. Tuy nhiên, cả hai hiện đều đang thuộc sở hữu của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nên ngay lúc này, SCIC chưa thể đầu tư vào Vietnam Airlines.
"Việc SCIC có thể tham gia thay Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đầu tư theo quyền cổ đông hiện hữu hiện nay vào Vietnam Airlines thì cần có sự cho phép của Quốc hội. Luật 69 hiện nay chỉ cho phép chuyển giao vốn từ cơ quan đại diện vốn Nhà nước này sang cơ quan vốn Nhà nước khác, còn việc chuyển giao quyền theo quyền đầu tư thì chưa có", ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), cho biết.
Trao đổi bên hàng lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết có cơ sở để SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines.
Hiện thị giá của Vietnam Airlines ở mức 25.000 đồng/cổ phiếu, tức phục hồi khoảng 38% so với vùng đáy tại thời điểm dịch bệnh bùng phát lần 1. Chưa biết giá phát hành cho cổ đông hiện hữu là bằng mệnh giá, tức 10.000 đồng/cổ phiếu hay một mức giá trung bình nào khác, nhưng rõ ràng, với vai trò nhà đầu tư, SCIC nhìn thấy Vietnam Airlines vẫn có những tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ bảo lãnh các khoản vay 11.000 tỷ đồng cho ngành hàng không
Việc nghiên cứu cơ chế cho Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không cũng là một trong những đề xuất được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra mới đây.
Khó khăn không chỉ riêng với Vietnam Airlines, mà cả ngành hàng không Việt Nam cũng đang phải gánh chịu những thiệt hại chưa từng có trong lịch sử vì đại dịch COVID-19.
Hàng không được cho là ngành nghề chịu tác động đầu tiên bởi dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề xuất Chính phủ bảo lãnh khoản vay khoảng 11.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp hàng không. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và đầu tư còn đề xuất còn một loạt các chính sách hỗ trợ khác như: giảm 70% thuế bảo vệ môi trường năm 2021 đối với nhiên liệu bay, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng và tiếp tục giảm 50% giá cất/hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay cho các chuyến bay nội địa kéo dài ra sau ngày 30/9/2020 như quyết định trước đó của Chính phủ.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Chính phủ đối với ngành hàng không lúc này là rất cần thiết. Đây được cho là vấn đề sống còn.
"Hiện tại, lĩnh vực này đang bị ảnh hưởng rất nặng nề và cần mọi sự giúp đỡ có thể, vì vậy tôi đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các hãng hàng không tại Việt Nam. Điều thực sự quan trọng là khi chúng ta tìm ra được vaccine và thoát khỏi tình trạng này, các hãng hàng không vẫn có thể sẵn sàng mang đến những gì hành khách muốn, đó là được bay trở lại", ông Conrad Clifford, Phó Chủ tịch IATA khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định.
Các quốc gia mạnh tay hỗ trợ ngành hàng không
Dù được đánh giá là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không cả trong nước và quốc tế, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt tại Việt Nam, sự vực dậy hồi phục là rất tiềm năng, theo nhận định của Fitch Ratings.
Theo đó, ngành hàng không Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á. Tổng quãng đường bay của toàn bộ hành khách tại Việt Nam sẽ đạt 55% mức cơ sở trong năm 2020 và phục hồi tới 90% trong năm tới, cao gần gấp đôi các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh như: Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Mặc dù chưa biết đến bao giờ các chuyến bay thương mại quốc tế mới được nối lại bởi tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên với vai trò quan trọng là kết nối các hoạt động kinh tế xã hội, thực tế Chính phủ nhiều quốc gia đã không để ngành hàng không đơn độc chống chọi với những tổn thất chưa từng có.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), các quốc gia đã cấp khoản viện trợ lên tới 123 tỷ USD nhằm giúp các hãng hàng không "sống sót" qua đại dịch. Mỹ là nước chi mạnh tay nhất. Hiện nay, các hãng hàng không tại đây đang nỗ lực thúc đẩy khoản hỗ trợ thêm 25 tỷ USD sau khi chương trình hỗ trợ 25 tỷ USD chủ yếu bằng tiền mặt trước đó đã hết hạn vào cuối tháng 9. Đứng vị trí thứ hai về khoản chi này là châu Âu, chỉ riêng hãng hàng không lớn thứ 2 của lục địa già, Lufthansa đã nhận được khoản hỗ trợ 9,8 tỷ USD từ Chính phủ Đức. Châu Á xếp ở vị trí thứ 3, với khoản viện trợ hàng không chiếm khoảng 10% tổng doanh thu hàng năm của lĩnh vực này trên toàn thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!