Đảm bảo nguồn cung thịt lợn đến cuối năm

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 24/08/2024 06:56 GMT+7

VTV.vn - Nếu không chủ động trong chăn nuôi với các biện pháp, phương án cụ thể thì trước, trong và sau Tết, ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Hiện các đơn vị đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung thịt lợn đến cuối năm nay. Từ tháng 5, thịt lợn đã tăng 20.000 -30.000 đồng/kg. Bước vào quý III, giá thịt lợn đã có chiều hướng giảm. Và chỉ còn 5 tháng nữa là Tết. Nếu không chủ động trong chăn nuôi với các biện pháp, phương án cụ thể thì trước, trong và sau Tết, ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Để đảm bảo cân đối nguồn cung cầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn sẽ phải tăng thêm từ 10 đến 15%. Vì thế đây là thời điểm các đơn vị chăn nuôi tập trung tái đàn. Nhưng muốn tái đàn bền vững, đảm bảo được nguồn cung thì công tác phòng ngừa dịch bệnh là yếu tố tiên quyết.

Bước qua cánh cổng này, công nhân sẽ phải trải qua ba lần tắm gội. Cùng với đó, các trang trại và doanh nghiệp có hẳn riêng một dãy nhà cách ly dành cho công nhân. Họ sẽ phải ở đây từ 2-3 ngày, sau đó mới được vào trang trại. Có thể nói, thời điểm này, các doanh nghiệp và các trang trại đang đặt mức phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất để đảm bảo sức khoẻ cho đàn vật nuôi.

Đảm bảo nguồn cung thịt lợn đến cuối năm - Ảnh 1.

Để đảm bảo cân đối nguồn cung cầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn sẽ phải tăng thêm từ 10 đến 15%

Hiện sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35% -40%, sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đã chiếm tới 60% -65%. Theo khuyến cáo từ Cục thú y, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng xảy ra dịch không nên tái đàn bằng mọi giá, vì mầm bệnh vẫn tiềm ẩn, nguy cơ thiệt hại cao.

Ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến: "Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, một trong những biện pháp quan trọng bậc nhất là tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn của mình cũng như áp dụng biện pháp vệ sinh phòng bệnh khác. Đặc biệt, với các địa phương cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh để có ứng phó, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng".

Tại hội nghị phát triển chăn nuôi lợn bền vững vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhiều giải pháp đã được đưa ra để giá thịt lợn không tăng quá cao dịp cận tết. Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ Kiểm soát kĩ nguồn thịt lợn nhập khẩu, không để hàng giá rẻ kém chất lượng làm lũng loạn thị trường. Cùng với đó là phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống buôn lậu dịp cuối năm.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: "Chỉ ra những đầu nậu, những tỉnh có buôn lậu phía Bắc là về gia cầm, giống gia cầm, phía Nam là buôn lậu từ Campuchia, Lào sang. Chúng ta phải chủ động từ sớm từ xa nguồn cung ứng thực phẩm, ngoài thịt lợn ra, gia cầm, đại gia súc...".

Việt Nam nằm trong top 10 nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Điều này cho thấy nhất cử nhất động của giá thịt lợn sẽ tác động đến đời sống của người dân và tình hình kinh tế trong nước. Do vậy, việc các đơn vị chức năng cùng vào cuộc và thực hiện có trách nhiệm các giải pháp đề ra sẽ giúp ổn định được chỉ số giá tiêu dùng dịp cuối năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước