Mới đây, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4 cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến đề xuất sẽ bỏ một số trường hợp phải công chứng khi giao dịch mua bán bất động sản. Đây cũng là nội dung tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp của các nhà khoa học và các chuyên gia.
Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công chứng của Việt Nam và Pháp, nhiều chuyên gia nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra sự cần thiết bảo vệ quyền lợi của người dân trong giao dịch bất động sản tại Việt Nam thông qua các hợp đồng được công chứng.
Theo dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), cá nhân với cá nhân khi giao dịch bất động sản phải thực hiện công chứng, còn tổ chức là doanh nghiệp kinh doanh bất động với cá nhân thì không bắt buộc. Nhiều ý kiến chỉ ra điều này có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý cho người mua nhà và thực tế đã chứng minh khi có xảy ra tranh chấp, người mua nhà luôn yếu thế.
"Có rất nhiều hợp đồng giao dịch không được pháp luật quy định, như hợp đồng đặt cọc giữ chỗ. Tất cả đối tượng của loại hợp đồng này là người dân phải bỏ tiền hoặc nộp tiền cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để được nhận một bất động sản hình thành trong tương lai, từ đây phát sinh những tranh chấp, như tranh chấp vụ án tại Alibaba, với 4.500 người bị hại", TS. Ninh Thị Hiền, luật sư, cho biết.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bên cạnh đó, với cá nhân, giao dịch mua nhà ở không thường xuyên diễn ra nên việc hiểu biết về cách thực hiện giao dịch thường bị hạn chế. Nhà ở hoặc bất động sản có giá trị lớn. Chính vì vậy, các quy định ràng buộc trong các hợp đồng giao dịch cần phải có một bên thứ ba trung lập am hiểu về các quy định pháp luật, để khi có tranh chấp xảy ra hoặc khi một bên không thực hiện hết quyền, nghĩa vụ của mình, vấn đề đó được giải quyết tại tòa và đảm bảo quyền lợi cho các bên khi tham gia vào các giao dịch này.
"Chủ đầu tư người ta bán xong, lấy tiền xong không chịu thực hiện các thủ tục pháp lý để người mua đứng tên chủ sở hữu. Như vậy, rủi ro sẽ rơi vào người mua. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi của mình, người mua phải khiếu kiện. Một trong những giấy tờ pháp lý là hợp đồng mua bán có công chứng. Theo quy định của pháp luật, công chứng là một chứng cứ", PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, nhận định.
"Ở các nước châu Âu, các giao dịch mua bán bất động sản bắt buộc phải được thực hiện thông qua một văn phòng công chứng. Còn với những dự án bất động sản hình thành trong tương lai, các doanh nghiệp phải chứng minh đủ tiềm lực tài chính theo quy định pháp luật để có thể thực hiện và hoàn thiện dự án đó", ông Lionel Galliez, Chủ tịch Liên minh Công chứng Quốc tế, cho hay.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang lấy ý kiến các bên và được các Ban soạn thảo, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV - với tư cách là cơ quan thẩm tra, và các cơ quan hữu quan gấp rút, khẩn trương rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện để trình ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận, xem xét, thông qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!