Đảm bảo vận tải an toàn trong dịp cao điểm Tết Nhâm Dần 2022

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 18/01/2022 06:03 GMT+7

VTV.vn - Dù chỉ còn gần hai tuần nữa bước vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng thị trường vé tàu, xe, máy bay vẫn hết sức trầm lắng do dịch bệnh COVID-19.

Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều người dân hiện đang sinh sống và làm việc tại các thành phố đang phân vân trước quyết định về quê đón Tết cùng người thân hay nên ở lại thành phố và cố gắng làm thêm dịp Tết để có thêm phần thu nhận sau gần 1 năm khó khăn vì dịch bệnh... Nhiều người lại đắn đo vì ngại đi tàu xe vào lúc cao điểm, nguy cơ dịch bệnh cao hơn rồi thì về quê chưa biết chính sách cách ly, xét nghiệm như thế nào... Vậy nên nếu quyết định về quê, nhiều người lao động sẽ về tết sớm hơn mọi năm. Cao điểm đi lại có thể sẽ sớm hơn quy luật mọi năm.

Tăng tần suất nhiều đường bay quốc tế

Bộ Giao thông vận tải vừa giao Cục Hàng không Việt Nam theo dõi sát tình hình khai thác vận chuyển hàng không nội địa và chủ động quyết định việc tăng tần suất khai thác dịp Tết Nguyên đán.

Sẽ tăng tần suất 14 chuyến/tuần trên mỗi đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc) và Singapore. Đây là thông tin mới được Cục Hàng không Việt Nam đưa ra. Bên cạnh đó, với các đường bay đi Australia, Thái Lan, Campuchia, Lào sẽ được khai thác 10 chuyến/tuần.

Đảm bảo vận tải an toàn trong dịp cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh, Các hãng hàng không Việt Nam đưa chi phí test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 vào giá vé đối với hành khách vận chuyển đến các cảng hàng không quốc tế Việt Nam.

Các hãng hàng không nước ngoài có thể chọn hoặc đưa chi phí test nhanh vào giá vé đối HOẶC thông báo cho khách hàng tự thanh toán chi phí này tại các cảng hàng không quốc tế. Chi phí test nhanh không được cao hơn đơn giá của Bộ Y tế

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao Cục Hàng không chủ động quyết định tăng tần suất bay nội địa dịp Tết để phục vụ dịp cao điểm Tết Nguyên Đán sắp tới.

Doanh nghiệp vận tải khách gặp khó

Thời điểm này cận Tết nhưng bến xe, nhà ga vắng khách. Do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên nhiều người đi làm ăn xa quê có tâm lý chờ tình hình dịch lắng xuống hẳn mới mua vé về quê đón tết. Vì thế, đến nay lượng vé bán được vẫn rất ít so với mọi năm. Doanh thu giảm đến 70 thậm chí 80%.

Đảm bảo vận tải an toàn trong dịp cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 - Ảnh 2.

Càng chạy càng lỗ, không biết có trụ được nữa không… là những câu cửa miệng của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và các lái xe khách thời gian này.

Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đều gặp cảnh thua lỗ, chi phí cho một chuyến xe tuyến ngắn khi xuất bến gần 3 triệu đồng. Nếu một chuyến xe có 10 khách thì không đủ trả chi phí này, chưa kể lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng, khiến doanh nghiệp không thể cầm cự.

Để hỗ trợ phần nào khó khăn của các doanh nghiệp vận tải, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư, tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ và đồng thời lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm cũng sẽ được giảm đến hết tháng 6 năm nay.

Đảm bảo an toàn chạy tàu mùa Tết

Hiện nay, số lượng vé bán được của đường sắt đến thời điểm này đang thấp kỷ lục. Số lượng vé bán chỉ bằng 48% và tiền thu chỉ bằng 43% so với Tết năm 2021.

Mặc dù vậy, ngành cũng sớm có kế hoạch tăng chuyến nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách dịp cao điểm Tết Nguyên Đán. Đơn cử tổ chức chạy thêm đôi tàu tăng cường tuyến Hà Nội - Vinh thay vì 1 đôi như trước; duy trì chạy hàng ngày 1 đôi tàu tuyến Hà Nội - Hải Phòng từ 20/1 đến 13/2 tới, đồng thời tăng cường các hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động nhằm tăng cường giám sát, phục vụ cho người dân về quê ăn Tết được an toàn.

Đường ngang tại Km 807+ 095, thuộc xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đã được lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động để đảm bảo an toàn cho người dân và các phượng tiện qua lại khi có tàu đến. Tại các đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động này luôn hoạt động an toàn 100%; đồng thời đơn vị cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các thiết bị; nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu.

Ông Nguyễn Trí Thành, Cung Thông tin tín hiệu Lệ Trạch, cho biết: "Tại đường ngang cảnh báo tự động 807+095, từ khi đưa vào hoạt động đến any độ hoạt động đảm bảo an toàn tuyệt đối; không có hiện tượng mất an toàn tại đường ngang".

Trên tuyến đường sắt từ Quảng Bình đến Bình Định hiện có 186 đường ngang được lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh bảo tự động và 150 đường ngang có người gác. Không chỉ đầu tư lắp đặt mà ngành chủ quản còn đảm bảo hoạt động ổn định của các hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động; nhất là tăng cường công tác kiểm tra để đảm bảo an toàn chạy tàu, phục vụ nhân dân dịp Tết.

Ông Dương Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng, cho biết: "Kể cả ngày lễ, ngày Tết, mưa gió giông bão... đều có công nhân trực, kịp thời phát hiện những trở ngại để giải quyết, xử lý và trong dịp Tết, chúng tôi còn tăng cường hơn nữa, lãnh đạo công ty tiến hành rà soát và đi kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu".

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết 70% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm đường ngang này; trong đó, hiện vẫn còn hàng ngàn lối đi tự mở rất nguy hiểm. Do vậy, ngành Đường sắt luôn phối hợp tốt với chính quyền các địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và lắp đặt hệ thống tín hiệu cảnh báo tự động; để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, phục vụ cho người dân về quê ăn Tết được an toàn.

Chương trình Vấn đề hôm nay phát sóng ngày 17/1 với khách mời là ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước