Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, hiện đang có làn sóng dịch chuyển các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam trong đó, miền Bắc và Hà Nội là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ hội cho doanh nghiệp Việt sẽ được tận dụng như thế nào khi 97,98% vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa?
Năm 2014, tập đoàn Samsung có hàng nghìn đơn vị cung ứng thì chỉ có 4 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1. Đến nay, số doanh nghiệp dừng lại ở con số 35. Để đáp ứng tiêu chuẩn của Samsung không phải đơn giản bởi Samsung đặt ra hơn 100 tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp có đáp ứng được hay không.
Có thể thấy, thử thách để trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất của một tập đoàn công nghệ cao không đơn giản, vậy nhưng, cái được lớn nhất chính là doanh nghiệp cung ứng sẽ tự nâng cấp mình ở một mức độ hoàn toàn khác, thậm chí đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Để có được đẳng cấp đó, nhiều doanh nghiệp Việt đã dám chơi lớn cho bài toán đầu tư của mình.
Nếu như trước đây, để trở thành nhà cung ứng, doanh nghiệp Việt phải "cọc đi tìm trâu", tự thân vận động, tự mang sản phẩm của mình đi chào hàng đến các tập đoàn lớn thì nay "trâu đã đi tìm cọc" khi các tập đoàn lớn công bố đang cần linh kiện gì, mẫu mã ra sao, quy chuẩn thế nào. Thậm chí, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương hỗ trợ còn kêu gọi, kết nối giữa các doanh nghiệp Việt với các tập đoàn toàn cầu.
Bộ Công Thương dành 100 tỷ đồng cho các doanh nghiẹp hỗ trợ, một con số không hề nhỏ. Nhưng ngoài tiền, thì kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần phân tách rõ các cấp độ hỗ trợ, ngành nghề ưu tiên, đặc biệt còn có những cơ quan riêng về phát triển liên kết công nghiệp, chương trình riêng thúc đẩy nhà cung ứng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!