Phương án tuyến, huy động vốn và những tác động đến nền kinh tế khi triển khai đầu tư đại dự án này cũng đã được các đơn vị tư vấn đưa ra.
Báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi cho biết dự án đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao sẽ kéo dài từ ga Hà Nội đến ga Thủ Thiêm, thuộc quận 2, TP.HCM. Chiều dài toàn tuyến là 1.559 km, trong đó có 1.545km xây mới và 14 km đi chung vào tuyến đường sắt đô thị số 1 từ ga Ngọc Hồi đến ga Hà Nội.
Với nhiều kịch bản đã được xây dựng, phương án được kiến nghị đầu tư là nâng cấp tuyến đường sắt khổ 1m hiện hữu và xây mới tuyến đường đôi khổ 1435 chạy tốc độ cao. Với tổng mức đầu tư gần 59 tỷ USD, tư vấn cũng đưa ra 3 nguồn vốn cần huy động cho dự án. Đó là vốn ngân sách trong nước, vốn vay ODA và vốn tư nhân.
Tính toán về tốc độ tăng trưởng GDP, nợ công từ nay đến năm 2040, tư vấn cho rằng việc đầu tư đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao sẽ chiếm khoảng 0,7% GDP/năm, vẫn nằm trong sức chịu đựng của nền kinh tế và nợ công vẫn dưới trần 65%. Tuy nhiên, để hạn chế áp lực cho ngân sách, tư vấn cũng kiến nghị phương án hợp tác công tư theo hình thức BOT. Trong đó, vốn nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, đường ray, tối thiểu chiếm 80% tổng mức đầu tư. Còn lại tư nhân sẽ đầu tư đầu máy toa xe để khai thác và đóng phí cho đơn vị quản lý hạ tầng.
Vấn đề phân kỳ đầu tư dự án từ nay đến 2050 sẽ theo hướng hoàn thiện từng đoạn rồi cho khai thác hay làm xong hạ tầng toàn tuyến rồi nâng dần tốc độ vẫn còn nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!