Với những doanh nghiệp tầm cỡ thì việc làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn không hề đơn giản
Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đó là hướng đi cho nông nghiệp hiện đại với rất nhiều ưu điểm đã được thừa nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh đã đổ vốn vào ngành này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cũng tâm huyết không kém. Thế nhưng, vốn và nguồn nhân lực vẫn đang là rào cản.
Tâm huyết với nông nghiệp, Công ty Cổ phần Việt Long ở Quảng Ninh đã triển khai 9 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Hiện đã bỏ ra hơn 80 tỷ đồng nhưng lại đang căng đầu với những nỗi lo.
Việt Long đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký quyết định cho vay 66 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này không thể tiếp cận được số vốn vì không ngân hàng nào cho vay.
Ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng Việt Long kiến nghị: "Để những người đi làm nông nghiệp vay được vốn sản xuất, thì Chính phủ phải quy định một nguồn vốn dành riêng cho nông nghiệp vay".
Với những doanh nghiệp tầm cỡ thì việc làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn không hề đơn giản. Đầu tư vào một dự án nông nghiệp công nghệ cao quy mô gần 1.300 ha đất tại Nông trường Lam Sơn, Thanh Hóa, điều khiến Tập đoàn FLC phải suy tính nhiều nhất là nhân lực.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC: "Yếu tố nhân lực luôn luôn quan trọng và quyết định tại thời điểm này với các công ty khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Bởi vậy, cần có sự đào tạo bài bản cho nông dân hay những người lao động chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất".
Theo các doanh nghiệp, nhân lực, vốn lớn, công nghệ tiên tiến và thị trường là 4 yếu tố nhà đầu tư phải vượt qua nếu muốn làm nông nghiệp công nghệ cao.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!