Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện 2 đề án đường sắt đô thị sớm nhất có thể. Dự kiến đến năm 2035, hai thành phố lớn sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có với tổng chiều dài khoảng 600km, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng đang ngày một tăng cao.
Chỉ sau 2 tháng đi vào hoạt động, Metro Nhổn - Ga Hà Nội đã vận chuyển hơn 1,5 triệu lượt khách, tương đương khoảng 24.000 lượt khách mỗi ngày. Còn đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được 3 năm nay với hơn 35.000 lượt hành khách mỗi ngày.
"Nhu cầu đi lại rất cao, giờ cao điểm thì rất đông, tôi còn không có chỗ để ngồi. Tôi nghĩ là phải có nhiều hơn nữa những tuyến nhanh như thế này", chị Ngô Thùy Linh, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ.
"Mật độ dân cư Hà Nội bây giờ rất là đông đúc, xu hướng là di dân ra ngoại thành, nên quãng đường di chuyển vào nội thành có thể là 10 -15 -20 cây, nên cần xây dựng nhiều hơn nữa và có cái sự kết nối giữa hạ tầng giao thông giữa các tuyến tàu điện và xe buýt thì tiện lợi cho người dân hơn", anh Đoàn Trung Dũng, Cầu Diễn, Hà Nội chia sẻ.
Hà Nội hiện đã có trên 8 triệu dân, còn TP Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 10 triệu. Dù năng lực hiện tại của mạng lưới vận tải hành khách công cộng đã đạt khoảng 30%, nhưng do thiếu tính liên kết đồng bộ các loại hình, nên thực tế mới chỉ đảm đương được khoảng 19% thị phần. Vì thế, để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, mục tiêu tới 2035 theo quy hoạch đã phê duyệt, Hà Nội sẽ hoàn thành 423km, TP Hồ Chí Minh khoảng hơn 200km đường sắt đô thị.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện đang triển khai nghiên cứu xây mới 2 đại dự án đường sắt đô thị, chuẩn bị quy hoạch không gian ngầm, quỹ đất, tính toán các khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến, phấn đấu đến 2035, đường sắt đô thị chiếm 30-35% thị phần vận tải hành khách công cộng và tăng lên 55-70% sau năm 2035.
Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: "Để thực hiện được mục tiêu rất thách thức như vậy thì hiện nay chúng tôi đang tập trung xây dựng kế hoạch phát triển đường sắt đô thị trong đó có đề xuất các cái giải pháp đặc thù để đẩy nhanh được hệ thống mạng lưới đường sắt này".
Bộ Giao thông Vận tải ước tính, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại 2 thành phố vào năm 2035 là rất lớn, cần hơn 174 tỷ USD. Đề án sẽ được hoàn thành trong những ngày tới để trình thường trực Chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!