Tại phiên thảo luận, nhất trí cần sớm tiếp tục phần còn lại của dự án này, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần ưu tiên bố trí nguồn vốn, quan tâm hơn đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư khi thực hiện dự án này.
Nhiều đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện nhiều khó khăn nhưng cơ bản đã thực hiện xong và đưa vào sử dụng 86% chiều dài toàn tuyến dự án đường Hồ Chí Minh.
Mặc dù vậy, đến nay, dự án này đã chậm tiến độ nhiều năm, do vậy, một số đại biểu cho rằng tới đây cần tập trung cân đối bố trí nguồn vốn cho 3 dự án thành phần còn lại để đảm bảo thông toàn tuyến vào năm 2025.
Chiều 6/6, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo. Ảnh: TTXVN.
Một số đại biểu cũng đề nghị cần chú ý đến công tác giải phóng mặt bằng, duy tu, chống xuống cấp của một số đoạn đường, tính toán đến các tác động môi trường, kinh tế xã hội của dự án.
Các ý kiến thảo luận của đại biểu hôm nay sẽ được nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh, đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3.
Trước đó, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Hai chuyên đề về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19" và "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia" sẽ được Quốc hội giám sát tối cao vào năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!