Kỳ họp thứ 8, quốc hội khoá XV dự kiến sẽ xem xét thông qua dự án 1 luật, sửa 7 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính. Trong đó có sửa Luật Ngân sách Nhà nước. Tại dự thảo, Chính phủ đề xuất sửa đổi 3 nhóm chính sách lớn. Nổi bật là bổ sung cơ chế cho phép sử dụng vốn đầu tư phát triển của địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác đầu tư dự án hạ tầng có tính chất vùng và liên vùng.
Tức là cho phép các tỉnh, địa phương được dùng ngân sách của tỉnh mình để đầu tư dự án thuộc ngân sách Trung ương, hoặc dự án có liên thông với tỉnh khác. Chính sách này được đề xuất trên cơ sở cuối năm 2023, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 106 thực hiện thí điểm 1 số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Và 1 số tỉnh, thành phố đã được giao quyền để thực hiện làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách của tỉnh mình để đầu tư dự án, bước đầu cho thấy đã có hiệu quả. Ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Ninh Bình.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn đi qua Ninh Bình có chiều dài hơn 25km. Nếu như trước kia, dự án trọng điểm này do Bộ Giao thông Vận tải quản lý và bố trí vốn, thì nay chính sách đặc thù đã cho phép tỉnh Ninh Bình được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư của dự án. Ngay lập tức, tỉnh Ninh Bình đã đưa dự án vào danh mục đầu tư công trung hạn và bố trí nguồn vốn dự phòng trong giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh. Đồng thời lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, chi phí giải phóng mặt bằng.
Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Phân cấp, phân quyền cho tỉnh Ninh Bình được góp tiền vào làm cao tốc. Được chỉ đạo trực tiếp từ giải phóng mặt bằng cho đến tổ chức thi công. Nếu như trước đây Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư dự án này thì lại phải phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng của tỉnh, do đây là tỉnh phải chịu trách nhiệm từ giải phóng mặt bằng đến thi công. Dự án sớm hoàn thành vào năm 2027, có thể trước tiến độ dự án khoảng 2 năm".
Dự án tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn đi qua tỉnh Ninh Bình dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 12 năm nay. Nhờ thí điểm chính sách đặc thù cho phép các tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách của địa phương để đầu tư dự án. Nhờ vậy dự án này sẽ sớm được triển khai, qua đó tạo sự kỳ vọng về phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Theo đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước đề xuất cho phép các tỉnh, địa phương được dùng ngân sách của tỉnh mình để đầu tư dự án thuộc ngân sách trung ương, hoặc dự án có liên thông với tỉnh khác, sẽ giúp các dự án được xây dựng nhanh, lan tỏa rộng, sớm phát huy hiệu quả.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Chúng ta sẽ tạo ra tính chất lan tỏa của các dự án, tránh tình trạng trước nay có thể các dự án, tuyến đường đầu tư đến địa phương này xong lại phải chờ đến địa phương khác, mà không được đầu tư thì lại không tạo ra được sự kết nối đó. Đây là việc chúng ta sử dụng linh hoạt nguồn lực để tạo ra các công trình, dự án sớm hoàn thành đi vào sử dụng".
Ngoài ra, về bản chất các công trình được đầu tư từ ngân sách của địa phương hay trung ương đều là ngân sách nhà nước, chỉ khác nhau về phân cấp, phân quyền làm chủ đầu tư. Việc giao cho các địa phương chủ động, sẽ giúp các dự án giao thông thoát khỏi cảnh "nằm mỏi mòn" chờ vốn nhiều năm liền, do khó khăn trong bố trí vốn đầu tư công.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!