Trong khi quy hoạch đường bộ, hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt đã được phê duyệt, tới nay quy hoạch quan trọng về hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vẫn chưa được hoàn chỉnh, đang tiếp tục rà soát và lấy ký kiến từ các Bộ ngành địa phương, đã có một số địa phương xin bổ sung quy hoạch cảng hàng không.
Hiện nay, cả nước có 22 cảng hàng không. Tuy nhiên, chỉ có 8 cảng hoạt động có lãi là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cát Bi, Liên Khương… Số còn lại thu không đủ chi.
Sân bay Côn Đảo. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Cục Hàng không cho biết, trong giai đoạn từ 2021 - 2030, Cục vẫn giữ quan điểm từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện nay, chỉ đầu tư 6 cảng hàng không mới là: Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết và Nà Sản, nâng tổng số cảng hàng không trên cả nước lên 28.
Đến nay có 3 địa phương: Tuyên Quang, Sơn La, Kon Tum... đã có văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch cảng hàng không: Na Hang, Mộc Châu, Măng Đen.
Hiện nay, chỉ mới có duy nhất Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo hình thức hợp tác công tư. Số còn lại là từ nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài yếu tố khai thác thương mại, các cảng hàng không này còn phải đảm đương các nhiệm vụ khác như an ninh quốc phòng.
Vốn cho các dự án cảng hàng không
Thực tế cho thấy, 20 năm qua, hàng không trong nước luôn tăng trưởng ở mức 18 - 22% mỗi năm, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở nhiều địa phương. Tăng trưởng này tuy cao nhưng lại không đồng đều giữa các cảng hàng không. Nếu các địa phương dự kiến đầu tư cảng hàng không theo hình thức công tư thì sẽ phải cân nhắc rất kỹ, khi đây là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn kéo dài.
Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 lên tới 400.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi được đồng ý về chủ trương nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã lên kế hoạch thực thi theo hình thức hợp tác công tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 2.500 tỷ đồng
Đường cất hạ cánh bằng ván thép không sử dụng từ nhiều năm nay tại sân bay Nà Sản. (Ảnh: Báo Đầu tư)
"Sơn La cam kết bỏ ra khoảng 450 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và đầu tư 1 hạng mục trong sân bay", ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết.
Theo đề xuất của tỉnh Sơn La, cảng hàng không Nà Sản sẽ được xây dựng trên nền sân bay cũ tại huyện Mai Sơn với diện tích khoảng 250 ha. Đây là cảng hàng không vừa khai thác dân dụng kết hợp quân sự. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026, cảng sẽ đón 1 triệu khách và 350 tấn hàng hóa mỗi năm.
Nếu chỉ để phục vụ việc đi lại cho người dân, việc thu hút các nhà đầu tư vào nâng cấp dự án sân bay Nà Sản là tương đối khó khăn. Chính vì vậy, bên cạnh việc tìm nguồn vốn đối ứng, tỉnh Sơn La cũng dành một khoản đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và du lịch. Đây sẽ là điều kiện tăng sự hấp dẫn, hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án nghìn tỷ này.
Theo các nhà phân tích, việc thu hút thành công nguồn vốn theo hình thức đối tác công tư PPP không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách, mà còn phối hợp cùng nhà đầu tư tư nhân khai thác hiệu quả các tuyến bay mới này.
"Bây giờ đầu tư các cảng hàng không mới phải tính toán khả năng thu hút khách, thu hồi vốn. Các nhà đầu tư tư nhân có cái nhìn khá rõ về vấn đề này", ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá.
"Với những cảng hàng không có lưu lượng lớn thì có thể hấp dẫn được. Còn những cảng có lưu lượng thấp, nhất là trong giai đoạn đầu phải có hỗ trợ của nhà nước", ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, nói.
Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đang triển khai hoặc xem xét đầu tư 4 cảng hàng không mới và nâng cấp 7 cảng hàng không hiện hữu theo hình thức PPP với kỳ vọng hạ tầng hàng không hoàn chỉnh sẽ là cú huých cho địa phương thu hút đầu tư, du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!