Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - cho biết, từ doanh nghiệp sản xuất sợi, nguyên phụ liệu cho đến may mặc, đều có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2015.
Theo ông Giang, nguyên nhân chủ yếu do các yếu tố khách quan, giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn. Doanh nghiệp dệt may đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ giá, thị trường, chi phí lao động không ngừng tăng và đối mặt những rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May cho rằng, nhiều cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp và chưa phù hợp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may đang tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Từ những khó khăn nêu trên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo, dù rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay cũng chỉ có khả năng đạt khoảng 29 tỉ USD thay vì 30 - 31 tỉ USD như mục tiêu đã đề ra.
Trong 6 tháng qua, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã gửi nhiều kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sửa đổi các quy định, nghị định, thông tư, một số thủ tục hành chính - kiểm tra chuyên ngành thủ tục phức tạp, rườm rà đang gây khó cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ về việc thống nhất quy hoạch và cấp phép các khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 - 1.000ha, để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm hoàn tất cao cấp, hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các khu công nghiệp này. Tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!