Dịch bệnh COVID-19 đã đưa thế giới đến một trạng thái chưa từng có trước đây. Một nửa thế giới ngồi ở nhà, các cuộc họp trực tuyến, mua bán trực tuyến, giao hàng tự động nở rộ. Virus SARS-CoV-2 như một lực đẩy đối với nền kinh tế số, khiến thế giới phải tái định hình phương thức tiêu dùng, tương tác và cung ứng. Một thế giới hậu COVID-19 dự kiến sẽ tự động hóa nhiều hơn, số hóa mạnh mẽ hơn.
Có thể thấy, nhiều nền kinh tế thế giới đã đột ngột rơi vào suy thoái do đại dịch COVID-19. Tất cả chuỗi cung ứng, dòng chảy lưu thông hàng hóa đều bị ngắt. Tuy nhiên, có một môi trường vẫn sôi động và nhộn nhịp, đó là môi trường kinh doanh trên nền tảng số. Nhiều công ty đã ăn nên làm ra từ chính đợt dịch bệnh bùng phát này.
Theo số liệu từ App Store và Google Play Store, đứng đầu trong danh sách các ứng dụng được tải về nhiều nhất tại Mỹ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 là ứng dụng họp trực tuyến Zoom, bất chấp những lo ngại về bảo mật của ứng dụng. Tiếp đó là các ứng dụng quen thuộc như TikTok, Hangouts Meet...
Khi mọi người buộc phải làm việc và giao tiếp xã hội từ xa, các công cụ thích hợp trước đây như Zoom hay nhóm ứng dụng của Google, Microsoft đột nhiên trở nên "ăn khách", hỗ trợ hàng triệu tương tác của các doanh nghiệp và cá nhân mỗi phút . Có thế thấy, chủ của những ứng dụng này đang là những người thắng cuộc nhờ dịch COVID-19.
Trong khi lao động tại nhiều ngành nghề mất việc vì đại dịch, Amazon vẫn tuyển thêm 175.000 nhân viên chỉ trong 2 tháng qua, khi nhu cầu mua sắm tăng lên đột biến. Nhờ vậy, Chủ tịch tập đoàn đã bổ sung vào khối tài sản khổng lồ của mình thêm 24 tỷ USD.
Đại dịch đã giúp kinh doanh trực tuyến phát triển nở rộ, trở thành mảnh đất màu mỡ của các tập đoàn công nghệ. Google mới đây đã mở của hàng trực tuyến Google Shopping để cạnh tranh với nhiều nền tảng thương mại số khác. Facebook cũng quyết định đầu tư 5,7 tỷ USD vào hệ thống bán lẻ trực tuyến tại Ấn Độ.
Dịch COVID-19 làm đảo lộn nền kinh tế thế giới, khiến hàng loạt doanh nghiệp khốn đốn, thậm chí phá sản nhưng cũng mở ra cơ hội cho những "kẻ ngược dòng". Họ là những người đã biết tranh thủ thời cơ, tìm ra những hướng đi mới, tích cực chuyển đổi mô hình để tồn tại và phát triển ngay trong đại dịch. Chính COVID-19 đã và đang tiếp tục tạo ra sự chuyển đổi nhanh chóng của các nền tảng kinh tế số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!