“Chúng tôi đã tăng trưởng rất nhanh, với hơn 150 triệu lượt đi lại mỗi tháng. Đây là thành tích không hề nhỏ của Uber, khi mà các công ty công nghệ Mỹ vẫn đang từng ngày đau đầu tìm cách giải mã thị trường Trung Quốc”. Đây là lời phát biểu của Giám đốc điều hành Uber Travis Kalanick sau khi đã quyết định bán mình cho đối thủ Didi Chuxing vào thứ 2 (1/8) vừa qua.
Tăng trưởng rất nhanh, nhưng sau hơn 2 năm cạnh tranh quyết liệt, tiêu tốn hàng tỷ USD, Uber vẫn phải cúi đầu chào thua thị trường Trung Quốc.
Theo Bloomberg, thất bại của Uber được cho là xuất phát từ thái độ khá kiêu ngạo khi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Và “cái thời chỉ cần bước vào thị trường Trung Quốc với 1 sản phẩm mới, như 1 chiếc điện thoại, 1 lon soda - đã qua từ lâu”.
Các công ty lớn vào Trung Quốc hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt, như: Uber đã thua cuộc trước Didi Chuxing; eBay từng bị trang mua sắm Trung Quốc Taobao hất cẳng; Google chọn cách treo công cụ tìm kiếm của mình, thay vì chấp thuận các điều khoản kiểm duyệt của chính quyền Bắc Kinh; còn Facebook cũng chỉ xuất hiện tại Trung Quốc trong thời gian ngắn, trước khi bị chặn vào năm 2009.
“Sẽ rất khó cho một công ty khởi nghiệp của Mỹ thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và hoàn toàn tự xoay xở một mình. Bởi Trung Quốc là một thị trường hoàn toàn khác, từ cách thức vận hành cho đến chính sách của chính phủ” - ông Hans Tung, thành viên Ban Điều hành Quỹ GGV, nhà đầu tư Didi Chuxing cho biết.
Nhìn vào thị trường di động Trung Quốc có thể thấy, thị hiếu người Trung Quốc đã thay đổi. Họ không dễ dàng bằng lòng với các sản phẩm chất lượng thấp. Còn các công ty nội địa như Huawei, Xiaomi hay Oppo đã rất nhanh chóng lấy thị phần của Apple, bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm của mình và làm thương hiệu ở đẳng cấp thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!