Điểm sáng kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 24/12/2024 08:08 GMT+7

VTV.vn - Tính đến giữa tháng 12, tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt trên 8,3%. Cải cách thể chế, tăng cường thu hút vốn đầu tư để tăng trưởng kinh tế.

Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là địa bàn có vai trò cửa ngõ ra biển, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với đường hàng hải, nhiều cảng biển và cảng hàng không lớn. Tính đến giữa tháng 12 năm nay, mức tăng trưởng cả vùng đã đạt trên 8,3%.

Trong đó, đóng góp lớn vào điểm sáng kinh tế của toàn vùng là việc cải cách thể chế để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư vào các địa phương và đẩy nhanh công tác giải ngân ngay từ đầu năm. Ghi nhận tại Thanh Hóa và Nghệ An, hai địa phương đang thuộc nhóm dẫn đầu của vùng Bắc Trung Bộ về tăng trưởng kinh tế.

Dự án tuyến đường nối Quốc lộ 1 và Quốc lộ 45 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 14km, có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Đến nay, đã đạt trên 90% khối lượng thi công và giải ngân trên 83% tổng vốn.

Ông Đoàn Khả Phú - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Toàn bộ về cầu có chiều dài 1.042m đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số nội dung còn tồn tại yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo thông xe kĩ thuật trước Tết âm lịch".

Đến cuối tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa đạt hơn 76%, cao hơn nhiều mức bình quân của cả nước. Công tác giao vốn đã được tỉnh thực hiện ngay từ đầu năm và là cơ sở để các địa phương đẩy nhanh giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Còn những ngày cuối năm chúng tôi đang tiếp tục tập trung giải quyết các điểm nghẽn còn lại và tháo gỡ khó khăn tiếp tục để làm sao đó đạt được kết quả tốt nhất trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công năm 2024".

Nghệ An cũng là 1 điểm sáng về bức tranh kinh tế tại khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Bên cạnh giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao, thu hút FDI của tỉnh cũng đạt tới 1,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

"Chúng tôi nhận thấy Nghệ An đã triển khai các chính sách cởi mở, thân thiện và nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư", ông Teng Wei Hong - Tổng Giám đốc Công ty VSIP Nghệ An chia sẻ.

Ông Bùi Thanh An - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: "Thay đổi cái phương thức thu hút đầu tư từ diện rộng sang trọng tâm và đồng hành với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng trưởng là 9,5-10,5% và cố gắng tăng trưởng ở mức 2 con số".

Đây là năm thứ 3 liên tiếp Nghệ An nằm trong top 10 cả nước về thu hút vốn FDI. Và mục tiêu của Nghệ An trong năm tiếp theo sẽ vượt mốc 5 tỷ USD tổng số vốn đầu tư vào địa phương này trong vòng 5 năm qua.

Việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại từng tiểu vùng và bố trí nguồn lực cho các địa phương phải dựa trên lợi ích chung, trong đó ưu tiên tiểu vùng để có thể đầu tư phát triển. Đây được xem như là cơ sở cũng là tiền đề để giúp cho Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung trở thành 1 trong các cực tăng trưởng chính của cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước