Diễn đàn DN Việt Nam 2013: Bàn về cải cách DNNN

Đặng Tú-Thứ ba, ngày 03/12/2013 16:54 GMT+7

 Nhận định chung của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì cần nhanh chóng cải cách khu vực DNNN, làm cho khu vực này hoạt động hiệu quả hơn.

Đổi mới, cơ cấu lại DNNN đã được chọn là chủ đề chính trong Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2013, được tổ chức sáng 3/12 tại Hà Nội.

Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, hiện cả nước có hơn 1.200 DNNN, tuy nhiên nhiều đơn vị trong khối này hoạt động không hiệu quả. Đặc biệt, vẫn còn doanh nghiệp mang tính độc quyền như điện, khai khoáng... dẫn đến những bất cập trong đầu tư và giá thành chưa tiếp cận được theo hướng thị trường.

Ông Prenben Hjortlund, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu cho rằng: “Bản thân DNNN không phải là vấn đề, nhưng hiện nay họ đang chiếm một nguồn lực lớn và điều này đã tạo ra gánh nặng cho Chính phủ cũng như các doanh nghiệp tư nhân. Ở châu Âu, các DNNN cũng chiếm nguồn lực lớn, nhưng họ hoạt động hiệu quả hơn và mang lại nhiều nguồn thu cho đất nước”.

Nhận định chung của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài cho thấy, Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì cần nhanh chóng cải cách khu vực DNNN, làm cho khu vực này hoạt động hiệu quả hơn. Việc tiếp tục ưu tiên và bảo hộ DNNN đang làm giảm khả năng cạnh tranh của khu vực này cũng như nền kinh tế.

‘ Ảnh: VNE

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: “DNNN đang giữ một phần vốn lớn kinh doanh của xã hội, nhưng dường như tiến trình cổ phần hóa và tái cấu trúc chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới hiện nay”.

Giám đốc điều hành Phòng thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ, ông Adam Sitkoff cho biết: “Mối quan tâm lớn nhất của khối doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam là cải cách khối DNNN hiện nay. Vì hiện nay, việc phân bố nguồn lực chưa được đầy đủ cho tất cả các khu vực doanh nghiệp, vì thế Chính phủ Việt Nam phải có những thay đổi để tạo sân chơi lành mạnh hơn cho các thành phần kinh tế”.

Nhiều đề xuất đã được cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài đưa ra như: Cần áp dụng triệt để các nguyên tắc, kỷ luật thị trường trong hoạt động của DNNN như hạch toán đầy đủ các chi phí vốn, doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp phải chịu đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động, tách bạch các hoạt động kinh doanh và hoạt động chính trị - xã hội. Đảm bảo không phân biệt đối xử, cạnh tranh thực sự bình đẳng giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói: “Các doanh nghiệp châu Âu đều có những lo ngại về môi trường kinh doanh, khung luật pháp chưa rõ ràng. Vì thế Việt Nam muốn tạo lập sự cạnh tranh với các nước ASEAN thì Chính phủ cần phải sớm có những giải pháp tạo sự ổn định cho doanh nghiệp hơn nữa”.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn, trung và dài hạn. Thực hiện đồng bộ xử lý nợ xấu và các vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng, phát huy vai trò của công ty mua bán nợ. Trong lĩnh vực đầu tư công, sẽ được thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, hạn chế đầu tư dàn trải, lãng phí, đảm bảo hiệu quả của đầu tư công, tạo điều kiện cho xã hội cùng tham gia đầu tư. Về tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã có quan điểm rõ ràng và theo đúng lộ trình, đó là sẽ chỉ còn 600 doanh nghiệp vào năm 2015 và đến năm 2020 sẽ chỉ giữ lại 300 doanh nghiệp.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước