Dự kiến vào ngày 6/10 sẽ có buổi làm việc giữa Hiệp hội Bao bì Việt Nam với Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam để cùng tìm cách xử lý tình huống trước mắt sao cho cả hai bên cùng có lợi. Trong khi còn đau đầu với bài toán hiện tại là cạnh tranh thu mua nguyên liệu, ngành bao bì trong nước còn đang phải giải bài toán lớn hơn, đó là cạnh tranh với sự thâm nhập của các doanh nghiệp bao bì nước ngoài.
Trước đó, thị trường bao bì giấy cũng đón nhận dòng vốn gần 130 triệu USD từ liên doanh nước ngoài của Thái Lan và Rengo của Nhật Bản. Cộng với hàng loạt các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua lại các doanh nghiệp bao bì nội.
Giới chuyên gia nhận định, với lợi thế về trang thiết bị, công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp bao bì ngoại rất dễ đánh trúng thị hiếu của khách hàng là các doanh nghiệp sản xuất lớn trong nước. Đặc biệt trong những ngành có tốc độ tăng trưởng hai con số như sữa, nước trái cây vốn đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng về bao bì để thu hút người tiêu dùng.
Không chỉ là vấn đề về sản phẩm mà khi bước chân vào thị trường bao bì, khối ngoại còn áp đảo khối nội về mô hình quản trị, dịch vụ cho khách hàng cũng như logistics.
Ước tính của Hiệp hội Bao bì Việt Nam, hiện số doanh nghiệp bao bì trong nước chỉ xấp xỉ 1.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ. Thực tế những năm qua, đã có không ít doanh nghiệp buông thị trường, chấp nhận bán mình cho nhà đầu tư ngoại. Còn các doanh nghiệp trụ lại, vẫn đang loay hoay với bài toán thay đổi, mà cái trước hết, vẫn là thay đổi về công nghệ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!