Theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê, năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2,6 triệu tỉ đồng (tương đương 118 tỉ USD), tăng hơn 10% so với năm 2015. Tuy nhiên, năm 2016 lại cho thấy những bước lùi đáng lo ngại về thị phần của các doanh nghiệp nội. Những cảnh báo về nguy cơ doanh nghiệp ngoại thôn tính thị trường bán lẻ từ năm trước đã dần thành hiện thực.
Tháng 1/2016, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan đã hoàn tất việc mua lại hệ thống siêu thị Metro Cash&Carry Việt Nam với giá 880 triệu USD. Tháng 4/2016, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ mua lại hệ thống siêu thị BigC Việt Nam từ Tập đoàn Casino của Pháp với giá trị lên tới 1 tỉ USD.
Với hai thương vụ này, thống kê của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam đang thuộc về các doanh nghiệp Thái Lan. Không chỉ Thái Lan, năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam còn chứng kiến sự chiếm lĩnh của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Bên cạnh hệ thống siêu thị Aeon Mall và Trung tâm Thương mại Takashimaya, doanh nghiệp Nhật còn phát triển 200 cửa hàng tiện lợi. Dự kiến con số này sẽ lên cả nghìn cửa hàng tiện lợi khi năm 2017, sẽ có sự tham gia của 7-Eleven chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu Nhật Bản.
Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, lượng hàng hóa của doanh nghiệp
Việt Nam sản xuất từng đạt 80 - 90% ở các kênh bán lẻ thì hiện đã giảm đáng kể,
thậm chí còn vắng bóng trong hệ thống của doanh nghiệp ngoại.
Năm 2016, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cũng đã mở rộng hệ thống phân phối, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã đầu tư vào thị trường bán lẻ nhưng vẫn còn quá nhỏ nếu so với sự đổ bộ của các doanh nghiệp ngoại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!