Theo quyết định cuối cùng của Bộ Nông nghiệp Mỹ, để xuất khẩu cá da trơn vào thị trường nước này phải chứng minh được quy trình nuôi trồng, chế biến tại Việt Nam tương đồng với quy trình của nước sở tại. Tuy nhiên, với khó khăn trong việc chuyển đổi cách thức vận chuyển, hay thậm chí từ con giống cá không đạt chuẩn là những trở ngại đang khiến DN Việt đứng ngồi không yên.
Tại Mỹ, trong quy trình sản xuất cá da trơn, cá nguyên liệu từ vùng nuôi được vận chuyển về nhà máy chế biến bằng xe bồn, có sục khí oxy. Song tại Việt Nam, 99% doanh nghiệp hiện đang vận chuyển cá từ vùng nuôi về nhà máy bằng đường sông, phương tiện chủ yếu là ghe, khá sơ sài.
Việc chuyển đổi mô hình vận chuyển theo tiêu chuẩn mới là một thách thức khá lớn với các DN, bởi chi phí chuyển đổi khá cao.
Ngoài ra, con giống phải đạt tiêu chuẩn cũng là một trở ngại. Trong khi hiện nay, hầu hết nguồn con giống tại Việt Nam đều là giống do tư nhân sản xuất, ít được chứng nhận đạt chuẩn và phần lớn lượng cá thu mua của doanh nghiệp là ở các ao nuôi nhỏ lẻ từ nông dân. Việc kiểm soát được chất lượng con giống tại những vùng nuôi này không dễ dàng.
Nhiều doanh nghiệp đang tích cực nâng cấp vùng nuôi và chạy đôn chạy đáo để đạt được chứng nhận theo chuẩn BAP hiện đang có của Mỹ. Tuy nhiên, khi đạt được chuẩn BAP rồi nhưng có được chứng minh tương đồng theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ hay không vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!