Nhiều xưởng đã đóng cửa, những xưởng còn lại chỉ cho công nhân "đủng đỉnh" làm 8 tiếng. Dù thu nhập chỉ còn 2/3 so với trước, nhưng đó vẫn còn là may mắn với nhiều người.
Sáng 7h30 vào ca, chiều 16h về, hơn 3 tháng qua, giờ vào ca và hết ca của công nhân tại xưởng may của Công ty TNHH Araviet như giờ hành chính. Với chị Thủy, lần đầu tiên trong 8 năm làm ở đây, chị gặp phải chuyện thu nhập giảm nhiều đến như vậy.
"Đơn hàng ít đi nên thu nhập của chúng em thấp hơn", chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Araviet, chia sẻ.
Hầu hết lao động đều gắn bó với doanh nghiệp hơn 6 năm, nhưng nhiều người như anh Hưởng lại lo lắng vì không biết tình trạng này kéo dài đến bao giờ.
"Tiền lương thấp đi nên mọi thứ sinh hoạt, chi phí sinh hoạt hạn hẹp lại", anh Phạm Minh Hưởng, công nhân Công ty TNHH Araviet, cho biết.
Không tăng ca, nghỉ thứ Bảy, với công nhân lao động, đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập sụt giảm đáng kể. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Thu nhập thấp đi ảnh hưởng đến tâm lý người lao động", anh Ngô Văn Ngoan, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Araviet, cho hay.
Thu nhập năm trước gần 10 triệu giờ chỉ từ 6 - 7 triệu/tháng dẫn tới một số công nhân nhảy việc. Giảm thu nhập đồng nghĩa là doanh nghiệp mất lao động. Để giữ số lao động hiện tại, doanh nghiệp cũng phải cố gồng gánh, kéo, giãn việc, hàng tuần cố gắng bố trí vài ngày tăng ca thêm 1 giờ, tất cả để giữ lao động ở lại.
"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để duy trì tình trạng này, nhưng không thể tăng thêm việc vì đơn hàng không có, tuy nhiên vẫn phải giữ được toàn bộ lao động hiện tại để chờ phục hồi", ông Kim Kyung Tae, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Araviet, cho biết.
Từ gần 1.600 lao động, công ty này còn hơn 1.000 người, giảm 1/3 công nhân. Công ty đã thông báo đủ việc làm đến cuối năm, nhưng không cam kết sẽ tăng ca.
Lao đao vì giảm, mất việc làm
Không tăng ca, nghỉ thứ Bảy, với công nhân lao động, đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập sụt giảm đáng kể. Đây là hệ quả tất yếu khi 50% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn, phải sản xuất cầm chừng. Các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ đã giảm khoảng 200.000 lao động trong thời gian qua và phần lớn nhà máy chỉ có đơn hàng đến tháng 7.
Đời sống công nhân lao động vốn đã khó khăn từ trước Tết Nguyên đán, lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn lớn hơn.
"Công ty gặp khó khăn như hàng bị chậm trễ, không được nhiều hàng như lúc trước, nên kinh tế cũng giảm mấy chục %", chị Ngô Thị Tố Quyên, công nhân công ty TNHH Quy Phúc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.
"Giờ làm giảm 50%, không tăng ca mà lương công nhân chủ yếu trông vào tăng ca", anh Huỳnh Duy Tân, Công ty TNHH Đạt Việt, TP Hồ Chí Minh, cho hay.
"Thu nhập một tháng chỉ còn hơn 5 triệu, mà tiền nhà, tiền điện nước một tháng gần 2 triệu", chị Đỗ Thị Ngắm, công nhân Công ty TNHH Bigsun Việt Nam, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Như vậy vẫn là may mắn hơn anh Châu Văn Cường, bởi tháng 4 vừa qua anh Cường (Trà Vinh) bị cắt giảm lao động, còn vợ của anh cũng mới nhận thông báo sẽ nghỉ việc từ tháng 6. Mất việc làm ở tuổi 44, mấy tháng nay, anh Cường sáng đi phụ hồ, chiều đi giữ xe cho quán ăn.
"Trong PouYuen mình làm, tính ra tiền này, tiền kia cũng được 10 triệu, mà giờ ra ngoài làm đâu có được vậy đâu, ra ngoài làm 4 - 5 triệu, không đủ chi tiêu. Tiền con ăn học nữa", anh Châu Văn Cường, Trà Vinh, chia sẻ.
Nếu không tìm được việc làm, anh Cường dự định sẽ gửi con gái đang học lớp 2 về quê cho ông bà, 2 vợ chồng dựa vào trợ cấp thôi việc của chị và trợ cấp thất nghiệp của anh để lo cho con lớn đang học đại học, nhưng cố gắng cũng chỉ cầm cự được đến sang năm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định sẽ không có chuyện cắt giảm hàng loạt lao động từ nay đến cuối năm. Hiện các địa phương đang chủ động cập nhật tình hình thiếu việc làm và cắt giảm lao động của các doanh nghiệp, đồng thời tổ chức nhanh kết nối việc làm mới cho người lao động.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!