Mới đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã kêu gọi 5.000 chữ ký trực tuyến, kiến nghị Chính phủ 3 nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó có nhóm kiến nghị về hỗ trợ, điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, bởi đây được xem là một trong các chi phí lớn đang tạo áp lực cho doanh nghiệp, trong bối cảnh người lao động nghỉ việc dài ngày do tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Dù đã cắt giảm rất nhiều chi phí, nhưng Viva Coffee phải chấp nhận phương án cho phần lớn nhân viên nghỉ việc, kéo theo đó cắt giảm mức đóng bảo hiểm xã hội. Biết người lao động sẽ gặp khó khăn, nhưng nếu vẫn giữ hợp đồng lao động thì doanh nghiệp không kham nổi.
"Nếu công ty không thông báo cắt thì chi phí đó doanh nghiệp không gánh nổi bởi số lượng nhân viên quá nhiều, số tiền quá lớn nhưng lần này là lần thứ 4 nên công ty cũng khó để duy trì", bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Viva Coffee, cho biết.
Nhiều kiến nghị thay đổi điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội để giảm áp lực do ảnh hưởng dịch. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Để hỗ trợ doanh nghiệp, có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến bảo hiểm xã hội đã được thực hiện:
- Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất;
- Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các quy định này chưa hỗ trợ được nhiều, bởi mức giảm thấp so với chi phí phát sinh do dịch.
"Đối với doanh nghiệp sản xuất 3 tại chỗ, hay tạm dừng sản xuất đều có chi phí phát sinh rất lớn nên đề nghị chung của doanh nghiệp là giảm 100% bảo hiểm xã hội trong thời gian xảy ra dịch bệnh", Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho hay.
Nhiều ý kiến cho rằng, với các quỹ ngắn hạn có số kết dư lớn như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, có thể tính cách giảm mức đóng.
"Trong điều kiện dịch bệnh đang tác động, ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và người lao động, chúng tôi nghĩ rằng mức đóng này có thể xem xét để giảm xuống từ 1% xuống 0,5% cho mỗi bên. Theo tính toán của chúng tôi, nếu giảm như vậy mỗi năm có thể giảm gần 10.000 tỷ đồng", ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhận định.
Theo Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 8, chỉ có hơn 10% doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký nộp hồ sơ tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất. Điều này xuất phát từ lo ngại cuối năm đóng dồn một lúc sẽ không đủ khả năng. Do vậy, miễn, giảm đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn thay vì chỉ hoãn thời gian là mong muốn của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!