Tại cuộc họp báo chiều 16/12 của Bộ TN&MT thông báo về kết quả hoạt động của đoàn Việt Nam tại COP 21.
Sản xuất điện và năng lượng là 2 ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất sau thỏa thuận khí hậu đã được thông qua tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP21 vừa diễn ra tại Pháp. Trong cuộc họp báo chiều 16/12 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo về kết quả hoạt động của đoàn Việt Nam tại COP 21, hàng loạt các vấn đề cần được thực thi đối với hai ngành này đã được đặt ra.
Các doanh nghiệp sản xuất điện và năng lượng đang ngốn một lượng vật liệu hóa thạch khổng lồ, nếu không có sự điều chỉnh về lượng carbon thải ra, thì những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể bị kiện và bị xử phạt khi thỏa thuận tại COP 21 bắt đầu được thực thi từ năm 2020.
GS. Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn Chính sách biến đổi khí hậu cho rằng: “Nếu chúng ta không chuyển đổi kịp thể chế, cách làm, không chuyển đổi ngành sử dụng năng lượng hóa thạch, tất cả chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Khi thế giới ép hoặc yêu cầu giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, Nhà máy Nhiệt điện sẽ phải đóng cửa, than và dầu mỏ hạn chế dần, dẫn đến thất nghiệp. Còn nếu có chính sách tốt để điều chỉnh thì sẽ tốt cho mọi người”.
Theo các nghiên cứu trước đó, 17 triệu người Việt Nam có nguy cơ mất chỗ ở nếu nước biển dâng cao thêm 1m. Vì vậy, thỏa thuận cuối cùng tại Cop 21 về giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn tình trạng tăng nhiệt độ có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam. Nhưng đây cũng sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đang sản xuất và dùng năng lượng hóa thạch trong nước.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!