Doanh nghiệp ứng phó với cước vận tải biển tăng cao

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 26/07/2024 11:28 GMT+7

VTV.vn - Đơn hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với giá cước vận tải tăng gấp đôi, gấp ba. Doanh nghiệp đang xem xét phương án đàm phán với khách hàng để hỗ trợ chi phí vận chuyển.

Giá cước vận tải biển tăng cao trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các Hiệp hội liên quan khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu. Bên cạnh các giải pháp từ phía Bộ, ngành, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đã đưa ra nhiều cách ứng phó khi cước vận tải biển tiếp tục leo thang.

Một năm trước, chi phí vận chuyển để xuất khẩu một chiếc áo sang thị trường Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 7 - 10%. Tuy nhiên, hiện nay chi phí này đã chiếm đến 15 - 20%.

Các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này hiện đang phải đối mặt với giá cước vận tải tăng gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, doanh nghiệp đang xem xét phương án đàm phán với khách hàng để hỗ trợ chi phí vận chuyển.

Bà Trần Thị Hà - Tổng giám đốc Công ty Pro Sports tại Hà Nội cho hay: "Về ngắn hạn chúng tôi cũng sẽ quay lại đàm phán với các khách hàng để khách hàng có thể chia sẻ những chi phí đó cùng với doanh nghiệp. Chúng tôi cũng cần phải xem xét điều chỉnh vào giá khi mà chúng ta ký kết các đơn hàng tiếp theo với khách hàng".

Còn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, tiết giảm các chi phí để giảm giá thành và cắt giảm lợi nhuận để duy trì lượng khách hàng và ổn định thị trường. Ngoài ra, mở rộng và phát triển thêm các thị trường mới.

"Tiếp cận thêm các thị trường mới với các tuyến đi gần thì tốc độ tăng chi phí không cao và phát triển thêm những thị trường như các khu vực ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc", bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam cho biết.

Bộ Công Thương cho biết hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ đều đầy đủ đơn hàng đến cuối năm. Do thị trường xuất khẩu chính của họ là châu Âu, châu Mỹ, nên trong bối cảnh hiện nay, sự phối hợp cập nhật tiến độ là cần thiết để cân đối giá cước vận tải phù hợp.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: "Chi phí về gửi hàng và các sự chia sẻ giữa chủ hàng, giữa người xuất khẩu và những người mua. Đặc biệt là đối với cả những người mua các lô hàng lớn, thì thường trong trường hợp này là người mua hàng là người ta quyết định trong việc đặt tàu cũng như là trả cước tàu".

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tăng cường tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tạo thuận lợi thương mại, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước