Với mức phí cảng biển TP Hồ Chí Minh áp dụng thu từ ngày 1/4, theo tính toán của các hiệp hội ngành hàng, trung bình một doanh nghiệp với 3.000 container xuất khẩu 1 năm, sẽ phải chi thêm 5,5 tỷ đồng phí cảng biển. Với một doanh nghiệp quy mô lớn hơn, chi phí này có thể tăng lên 13 – 14 tỷ đồng 1 năm.
"Khách hàng của chúng tôi than thở rất nhiều về điều này, thu phí cảng biển lúc này đang khiến họ rất chật vật", ông Nguyễn Thanh Tuấn, CEO công ty Blue Sea Transportation nói.
Chưa kể phí cảng biển, từ thời điểm đầu năm 2022 đến nay, giá cước tàu container vẫn tiếp tục tăng, một số doanh nghiệp cho biết giá cước hiện đã gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch COVID-19. Việc đặt tàu ngày càng trở nên khó khăn hơn, có khi 2 tháng mới có tàu nhận hàng. Dù kim ngạch xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng tốt, nhưng chỉ trên con số, một số doanh nghiệp cho biết lợi nhuận của họ gần như bằng không.
Đa số các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều nhận định việc TP Hồ Chí Minh triển khai thu phí cảng biển là hợp lý để có nguồn vốn tái đầu tư vào hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên, áp dụng thu phí trong thời điểm hiện tại là một áp lực với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách thu phí còn chưa đồng nhất như chênh lệnh về mức thu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài thành phố, việc đóng phí hai lần đối với các lô hàng xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nhập khẩu… sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của cảng biển TP Hồ Chí Minh đối với các khu vực lân cận và có thể làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể đội chi phí lên hàng chục tỷ mỗi năm khi đóng phí cảng biển
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam VASEP nói rằng trong thời điểm trước mắt chưa thể đánh giá tác động của việc thu phí cảng biến với doanh nghiệp xuất khẩu trong hiệp hội, tuy nhiên, "chúng tôi tiếp tục đề nghị xem xét lại đề xuất của các hiệp hội liên quan đến việc hoãn thu phí cảng biến, ít nhất đến cuối năm nay hoặc sang đến năm sau khi các doanh nghiệp đã phục hồi".
Theo các doanh nghiệp, giai đoạn hiện tại được xem là khó khăn nhất từ trước đến nay khi phải chịu cùng lúc nhiều áp lực; giá nhiên liệu tăng, giá cả đầu vào các mặt hàng tăng, chi phí logistisc tăng vọt… Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào thế giới, nhất là trong hoạt động logistics thì việc giảm chi phí là rất khó khăn. Tuy nhiên, một số hiệp hội ngành nghề vẫn cho rằng cần xem xét lại các khoản phí hiện nay. "Xem xét kỹ lại là chúng ta có bị phí chồng phí hay không. Doanh nghiệp đã rơi vào 2 năm khủng hoảng, điều quan trọng nhất là hiện nay container và tàu biển là áp lực khó khăn cho doanh nghiệp cà phê, đó là vấn đề chúng ta xem lại có nên thu hay không hay dừng lại ở một thời điểm nào đó", ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhấn mạnh khi nói về việc thu phí cảng biển.
Các hiệp hội ngành nghề tiếp tục đề xuất lùi thu phí cảng biển đến năm 2023
Bên cạnh đề xuất hoãn thời điểm thu phí cảng biển đến cuối năm hoặc sang năm 2023, kéo giảm các chi phí liên quan đến xuất nhập khẩu, các chuyên gia cũng cho rằng đã đến lúc phải tính đến các giải pháp mạnh nhằm nâng cao năng lực canh tranh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu như lập đội tàu container quốc tế, xây dựng hệ thống cảng biển, xây dựng chuỗi cảng container quốc tế quy mô tầm cỡ hay thành lập hãng vận tải hàng không chuyên dụng… để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngành hải quan cũng tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, giảm ùn tắc, giúp doanh nghiệp giảm thời gian, giảm chi phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!