Đối thoại 2045: Khơi dậy khát vọng phồn vinh

VTV Digital-Thứ hai, ngày 08/03/2021 10:20 GMT+7

VTV.vn - Mới đây, chương trình Đối thoại 2045 đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, với sự tham gia của những doanh nghiệp hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực kinh tế của cả nước.

Năm 2045 - đúng 25 năm nữa, sẽ là mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm nước nhà được độc lập. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu đây sẽ là dấu mốc Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Từ mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra ý tưởng chương trình Đối thoại 2045. Đây là chuỗi sự kiện sẽ diễn ra thường niên, với sự hội tụ của giới doanh nhân, trí thức và các khối trong xã hội, để cùng bàn luận, hiến kế giúp đất nước hướng tới Thịnh vượng trong 1/4 thế kỷ tới. Sự kiện đầu tiên đã được tổ chức mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước.

Những doanh nghiệp, những tên tuổi hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực kinh tế của cả nước đã cùng có mặt tại sự kiện Đối thoại 2045. Ước tính tổng doanh thu của những doanh nghiệp đầu ngành này lên tới 26 tỷ USD.

Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng đây là thế hệ sẽ có nhiều giải pháp kinh tế, hiến kế để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho Việt Nam vào năm 2045.

Đối thoại 2045: Khơi dậy khát vọng phồn vinh - Ảnh 1.

Đối thoại 2045 diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: VGP)

"2045 - 1/4 thế kỷ, đó là một khoảng thời gian đủ dài để xuất hiện những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ mang tên Việt Nam. Giống như những năm trước đây, rất nhiều người trong hội trường này chưa có tên trong bản đồ kinh tế Việt Nam. Chúng ta có đủ niềm tin, đủ khát vọng để tin tưởng rằng các bạn tiếp tục đóng góp cho sự thành công của đất nước", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định.

Tại sự kiện, đại diện các doanh nghiệp tư nhân lớn nhấn mạnh 3 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần hướng đến: Thứ nhất, Chính phủ cần chi đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh cho chuỗi cung ứng hàng hóa Việt Nam; Thứ hai là ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong mọi quy trình vận hành của doanh nghiệp; Cuối cùng, đổi mới thể chế, có những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ không phải là người viết ra những quy chế để kiểm tra, kiểm soát, trói buộc doanh nghiệp mà chúng tôi mong muốn Chính phủ là "bà đỡ" cho mọi ý tưởng của đất nước, của mọi doanh nghiệp", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, nhấn mạnh.

"Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa 2 quá trình, một là tri thức hóa đội ngũ doanh nhân, mặt khác là thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ. Đây có lẽ là cốt lõi của cụm từ "đổi mới sáng tạo" và chúng ta không nên quên rằng những tỷ phú giàu nhất trên thế giới đều xuất phát từ công nghệ", ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch DOJI, nói.

Đối thoại 2045: Khơi dậy khát vọng phồn vinh - Ảnh 2.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT. (Ảnh: VGP)

Trả lời câu hỏi liệu 25 năm nữa Việt Nam có đạt được mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được nếu Việt Nam có các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới và tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài.

"Việt Nam được cộng đồng quốc tế nhắc đến như là một ngôi sao đang lên trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Nếu là một phép tính với giả định Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng trung bình 7%/năm trong 1/4 thế kỷ tới, thì Việt Nam hoàn toàn có thể chạm ngưỡng thu nhập cao theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Thách thức của Việt Nam là làm sao duy trì được tăng trưởng thực bình quân 7%/năm trong một thời gian dài khi quy mô kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn và bối cảnh thế giới ngày càng bất định", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, cho biết.

Nhắn nhủ tới giới doanh nhân, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong thời đại ngày nay, mục tiêu của doanh nghiệp nếu vẫn được định nghĩa là tối đa hóa lợi nhuận thì sẽ lạc hậu. Mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận cho các cổ đông mà phải sáng tạo ra giá trị xã hội, góp phần vào thịnh vượng chung của đất nước.

Thủ tướng: Muốn đất nước vẻ vang phải có những doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh Thủ tướng: Muốn đất nước vẻ vang phải có những doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh

VTV.vn - Chiều 6/3, tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước