Mới đây, phát ngôn dự đoán của CEO một hãng xe điện: "Xe máy chạy xăng sẽ dần bị loại bỏ trong 5 năm tới" đang gây tranh cãi lớn trong cộng đồng mạng – kẻ ủng hộ, người coi là ngông cuồng. Vậy, dựa vào đâu mà vị CEO này "mạnh miệng" đến vậy và liệu phát ngôn này có trở thành hiện thực?
Tuyên bố này tương đồng với xu hướng dịch chuyển của thế giới
Từ nhiều năm trước, nhiều nước tiên tiến ở châu Âu đã thể hiện quan điểm ủng hộ xe điện thay thế xe động cơ đốt trong.
Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về các giải pháp hữu hiệu bảo vệ môi trường. Từ năm 2000, chính quyền nhiều thành phố lớn của Pháp như Paris, Lyon, Strasbourg... đã khuyến khích người dân chuyển sang dùng xe điện. Rất nhiều trạm tự động cho thuê xe điện được lắp đặt trên các đường phố nước Pháp. Với mức phí rẻ, cách sử dụng đơn giản, thậm chí miễn phí trong một vài khoảng thời gian nhất định, những trạm tự động này đã nhận được nhiều sự đồng tình từ phía người dân. Mới đây, Chính phủ Pháp cũng cam kết sẽ cấm bán xe chạy xăng, dầu trong thời gian tới.
Ở Anh, Chính phủ đang xem xét chính sách hỗ trợ người dân nước này tăng cường sử dụng xe đạp và ô tô điện làm phương tiện giao thông của mình.
Ông Đoàn Ngọc Linh - CEO PEGA – từng tuyên bố "Chúng tôi sẽ loại bỏ xe máy chạy xăng trong 5 năm tới"
Hay ở Mỹ - một nước hàng đầu về công nghiệp xe hơi - mấy năm gần đây dậy sóng với một thương hiệu xe điện. Đó là Tesla –thương hiệu xe điện được thành lập năm 2003 – từ một gã tý hon vô danh tiểu tốt ở thung lũng Silicon, vươn lên trở thành đối thủ đáng gờm với những ông trùm ngành xe hơi của Mỹ và thế giới.
Model S của hãng này trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới trong hai năm 2015 và 2016. Tính đến tháng 12 năm 2016, Model S được đánh giá là mẫu xe điện hạng sang bán chạy nhất mọi thời đại, không tính chiếc Nissan Leaf.
Hay không ở đâu xa, gã "hàng xóm khổng lồ" của chúng ta là Trung Quốc từ lâu cũng đã có động thái ủng hộ xe điện, bởi nhiều thành phố lớn của nước này luôn trong tình trạng báo động về ô nhiễm không khí.
Ở Việt Nam, xe máy chạy xăng dần bị mất thiện cảm
Mặc dù được hầu hết người dân Việt Nam xem là phương tiện di chuyển chính, là tài sản cố định, nhưng khách quan mà nói, xe máy chạy xăng đang ngày một mất thiện cảm trong mắt chính những người sở hữu dòng xe này, bởi việc sử dụng phương tiện đang mang lại những bất cập vô cùng lớn cho xã hội và người dùng.
Ô nhiễm môi trường là một trong những hệ lụy rõ ràng và cấp bách của xe máy chạy xăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vấn đề này gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của người dân và ngày càng trở nên cấp thiết cần phải được giải quyết.
Xe máy chạy xăng cũng được cho là "thủ phạm" chính của nhiều vụ tai nạn giao thông, là "hung thần" xa lộ khiến nhiều người phải thiệt mạng. Bởi vậy, không chỉ ở những quốc gia khác, ở Việt Nam xe máy cũng đang bắt đầu được xếp vào hàng phương tiện giao thông nguy hiểm nhất.
Nếu bạn thấy một hình ảnh đường phố Việt Nam trên ti vi bạn sẽ dễ dàng nhận ra ngay vì có những chiếc xe máy. Vấn nạn tắc đường do xe máy đã trở thành điều bình thường ở các thành phố lớn mà người dân ở đây hằng ngày vẫn buộc phải "sống chung với lũ".
Người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng tạo nên một bức tranh giao thông hỗn loạn…
Những năm gần đây, chính phủ cũng đã đưa ra đề xuất cấm xe máy trong những năm tiếp theo. Động thái này thể hiện sự bất cập đỉnh điểm của xe máy chạy xăng và việc phương tiện này cần phải được loại bỏ sớm ở Việt Nam là điều cần thiết.
Loại bỏ xe máy chạy xăng: Khó thực hiện trong 5 năm tới
Mặc dù việc loại bỏ xe máy chạy xăng ra khỏi Việt Nam là điều cần thiết, nhưng lại không dễ dàng thực hiện, nhất là trong vòng 5 năm tới vì những lý do sau:
Không chỉ là phương tiện, xe máy chạy xăng còn là tài sản của hàng triệu người Việt
Không ít người Việt Nam đã dồn toàn bộ số tiền tích lũy của mình để mua một chiếc xe máy hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng. Và họ xem đó là một thứ tài sản quý giá của bản thân, rất khó để họ có thể "loại bỏ" nó sớm ra khỏi cuộc sống của mình.
Lịch sử phát triển của xe máy chạy xăng quá lâu so với xe điện
Nếu như xe điện chỉ mới "nổi như cồn" khoảng 5-6 năm trở lại đây, thì xe máy chạy xăng đã mất hơn 20 năm phát triển, cải tiến về công nghệ và chất lượng để ngày càng phù hợp với nhu cầu của người dân Việt Nam. Bởi vậy, với tuổi đời còn "non nớt" xe điện sẽ khó "chen chân" để có thể thay thế xe máy chạy xăng trong một thời gian ngắn.
Tư duy về xe máy và xe điện của người dân còn khác nhau
Nếu xe máy chạy xăng được người Việt xem là tài sản cố định, là một phương tiện di chuyển lâu dài, có thể sử dụng được hàng chục năm, thì xe điện chỉ được xem là loại phương tiện tạm thời, phù hợp với đối tượng học sinh, người già - những người không thường xuyên di chuyển quá xa.
Tuy nhiên, suy cho cùng xe máy hay xe điện cũng chỉ là phương tiện vận chuyển người đến 1 nơi cần đến. Có chăng quan điểm là tài sản có giá trị bán lại và "vị thế xã hội" nên xe máy vẫn đang được ưu ái?
Xe điện "có cửa" để loại bỏ xe máy hay không?
Hiện tại công năng của xe điện cũng đang ngày càng cải tiến, khi mà quãng đường di chuyển xa nhất của xe điện đã ở mức100km 1 lần sạc (đối với dòng xe điện tốt nhất). Một điểm cộng cho xe điện là khả năng tiết kiệm chi phí gấp 32 lần so với xe máy chạy xăng và là phương tiện xanh bảo vệ môi trường được nhiều người ủng hộ.
Bởi vậy, khách quan mà nói, xe điện hoàn toàn có khả năng thay thế xe máy chạy xăng ở Việt Nam. Nhưng, chúng ta vẫn cần rất nhiều thời gian mới có thể hiện thực hóa được điều đó. Bài toán "loại bỏ xe máy" mà CEO PEGA nhắc đến sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn là con số "5 năm".