Đây là một phần trong lộ trình thúc đẩy cắt giảm nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm ở quốc gia này.
Sau nhiều tháng đàm phán, các đề xuất của Ủy ban phụ trách việc loại bỏ nhiệt điện than sẽ đóng vai trò là "kim chỉ nam" cho Chính phủ Đức trong nỗ lực đưa kế hoạch loại bỏ nhiệt điện than thành luật.
Theo đó, ủy ban này ước tính tổng cộng khoảng 40 tỷ EUR (tương đương 45,65 tỷ USD) sẽ cần được chi trả để hỗ trợ cho các bang bị ảnh hưởng bởi việc ngừng sử dụng than đến năm 2040. Con số trên ít hơn mức 60 tỷ EUR mà họ đã yêu cầu ban đầu.
Chi phí bồi thường cho các công ty và người tiêu dùng phải trả giá điện cao hơn do kế hoạch loại bỏ nhiệt điện than ước vào khoảng 2 tỷ EUR mỗi năm. Số tiền chính xác sẽ được ủy ban chính thức ấn định vào năm 2023.
Trong 4 năm tới, các công ty sản xuất điện của Đức, bao gồm RWE và Uniper, sẽ được yêu cầu đóng cửa khoảng 24 trạm nhiệt điện với tổng công suất 12 gigawatt như bước đầu tiên của kế hoạch.
Mặc dù thời hạn năm 2038 có vẻ khá phù hợp với những ước tính được đưa ra, các nguồn tin thân cận với ủy ban nói rằng việc loại bỏ hoàn toàn nhiệt điện than có thể được hoàn thành vào năm 2035. Thêm vào, ủy ban sẽ xác định vào năm 2032 liệu thời hạn này có khả thi hay không.
Đây là lần thứ hai Chính phủ Đức can thiệp mạnh tay vào thị trường năng lượng này trong vòng một thập niên. Trước đó, Berlin đã đưa ra quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022 sau thảm họa Fukishima của Nhật Bản hồi năm 2011.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!