Những thiệt hại về kinh tế là điều không thể tránh khỏi, còn xét trên chất lượng hàng hóa, hàng giả hoàn toàn có thể là mối hiểm họa cho an toàn của người dùng, ví dụ như thuốc giả hay phụ tùng ô tô giả. Đức là một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu với rào cản hải quan cực kỳ khắt khe. Chính vì thế, giới chức nước này kiên quyết nói không với hàng giả, hàng nhái và tìm mọi cách để truy lùng những doanh nghiệp dung túng cho hàng nhái.
Tại Hội chợ Hàng tiêu dùng Frankfurt, Hải quan Đức tin rằng họ sẽ bắt được không ít hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Các gian hàng kiểm tra lần này đều đã nhận được phàn nàn từ những nhà sản xuất có tên tuổi về việc làm nhái các sản phẩm đăng ký bảo hộ của họ.
Đến quầy bán đồ nhà bếp của một công ty Trung Quốc, lực lượng Hải quan phát hiện tay cầm của một chiếc chảo có vấn đề. Đặt chiếc chảo này cạnh hàng chính hãng đã thấy sự khác biệt. Công ty này đã bị Hải quan yêu cầu thu hồi sản phẩm, xóa tên sản phẩm trong catalogue của mình và bị liệt vào danh sách thanh tra định kỳ. Cuối cùng là khoản phạt 500 Euro cho lần vi phạm đầu tiên.
Tiếp tục sang quầy hàng thứ 2, lần này là tranh cãi về 2 chiếc bát cùng được phủ một lớp inox quanh viền. Việc mua bán vẫn tiếp tục, trong khi ở đằng sau, các cán bộ hải quan đang làm việc với chủ gian hàng. Vị thương nhân người Ấn Độ tỏ ra không hợp tác và đây không phải lần đầu tiên ông ta vi phạm lỗi này. Mức tiền phạt sẽ là 1.500 Euro. Ông ta chỉ chịu trả tiền phạt khi công tố viên xuất hiện, nhưng vẫn khăng khăng mình không sai.
Đây là một ngày không may mắn với các thương nhân Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng lại là một ngày làm việc hiệu quả của các cán bộ hải quan.
Những mặt hàng bị kiểm tra và thu giữ sẽ biến mất khỏi thị trường, nhưng những sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng mới khác lại ra đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!