Ảnh minh họa. (Nguồn: csmtimes.com)
Lạm phát đang tiếp tục là chủ đề nóng tại các quốc gia châu Âu như Đức, trong bối cảnh các nguồn cung năng lượng, đặc biệt là khí đốt tiếp tục là bài toán nan giải. Một thống kê gần đây cho thấy, có tới 1/3 tổng số doanh nghiệp tại Đức đã phải giảm công suất hoạt động để đáp ứng chính sách tiết kiệm năng lượng của chính phủ, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như hãng ô tô Mercedes Benz.
Không chỉ giới doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng sẽ phải chịu tác động với mức thuế bổ sung khí đốt thêm 4 xu/kilowatt giờ trong mùa đông này. Như vậy mỗi gia đình 4 người tại Đức sẽ phải chịu thêm 480 Euro chi phí khí đốt/năm. Đây là một trong nhiều biện pháp đang được chính phủ Đức triển khai, với mục tiêu đảm bảo nguồn cung khí đốt cho mùa đông sắp tới.
Sau khi công bố mức thuế khí đốt mới, giới chức Đức đã liên tục khẳng định đây là bước đi cần thiết để chia sẻ gánh nặng chi phí giữa người tiêu dùng với các nhà cung ứng năng lượng, vốn đang thua lỗ nặng do giá khí đốt nhập khẩu tăng cao.
"Đôi khi chúng ta cần những viên thuốc đắng để chữa bệnh. Nếu không có mức thuế này, thị trường năng lượng tại Đức có thể sụp đổ trong thời gian tới, gây ra gián đoạn việc cung cấp khí đốt trong mùa đông", ông Robert Habeck - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Đức cho hay.
Người tiêu dùng Đức sẽ phải chịu mức thuế bổ sung khí đốt thêm 4 xu/kilowatt giờ trong mùa đông này. Ảnh minh họa.
Một thông tin tích cực đó là Đức đã lấp đầy 75% hệ thống kho chứa khí đốt dự trữ sớm vài tuần so với mục tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả khi đầy các kho chứa, Đức cũng chỉ đủ dùng khí đốt cho chưa tới 3 tháng nếu bị cắt nguồn cung từ Nga.
Cơ quan năng lượng Liên bang Đức cảnh báo, cách thức duy nhất để đảm bảo đủ khí đốt cho mùa đông đó là nước này sẽ phải tiếp tục cắt giảm 20% tiêu thụ năng lượng như hiện nay, đồng thời giảm 20% việc trung chuyển khí đốt sang các nước khác trong khối.
Đức cũng đang tích cực tìm kiếm nguồn cung mới, đặc biệt là khí hóa lỏng LNG. Thủ tướng Olaf Scholz đã lên tiếng ủng hộ xây dựng đường ống mới từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - các nước có nguồn cung LNG dồi dào tới Trung Âu, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác trong EU về năng lượng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay: "Dù tăng cường dự trữ và tiết kiệm năng lượng, nhưng chúng tôi vẫn đang dành một phần nguồn cung điện cho các nước khác trong khối. Điều đó cho thấy rằng các nước EU hoàn toàn có thể hợp tác hỗ trợ nhau về nguồn cung khí đốt".
Hiện Đức đang gấp rút xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng cường tiếp nhận nguồn cung LNG nhập khẩu. Với tổng chi phí gần 3 tỷ Euro, nước này kỳ vọng có thể vận hành nhà máy xử lý LNG đầu tiên ngay từ cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!