Dùng cát biển làm nền đường cao tốc

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 10/07/2024 07:15 GMT+7

VTV.vn - Những m3 cát biển đầu tiên đang được sử dụng để làm nền đường tại một số gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Những m3 cát biển đầu tiên đang được sử dụng để làm nền đường tại một số gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương và nhà khoa học tại các cuộc làm việc chuyên sâu và thí điểm thi công tại hiện trường.

Từng đoàn sà lan chở cát từ biển đang nối đuôi về. Công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng đưa cát về công trường. Cơn khát cát để làm nền đường đã được bù lấp. Tất cả các nhà thầu đang thi công tại dự án đường bộ cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đã sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Công nhân Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau rất vui mừng vì sau nhiều tháng chờ đợi đã có cát để anh em công nhân có việc làm.

Cát về công trường ngày nào thì tiến độ được đẩy nhanh ngày đó. Đặc biệt với địa hình hoàn toàn là nền đất yếu nên càng cần cát sớm để gia tải chờ lún. Theo tính toán, thời gian này sẽ kéo dài từ 8-10 tháng mới ổn định nền đường.

Ông Phạm Tuấn Thành - Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ: "Hiện tại, trên toàn dự án, chúng tôi đã bố trí hơn 100 điểm bơm, công suất tối thiểu một ngày đạt trên 35.000 m3, đảm bảo tiêu thụ toàn bộ khối lượng cát đưa về công trường đảm bảo tiến độ đã đề ra".

Dùng cát biển làm nền đường cao tốc - Ảnh 1.

Cơn khát cát để làm nền đường đã được bù lấp

Theo tính toán, riêng năm nay dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần tới 10 triệu m3 cát. Và cát biển đưa vào thí điểm sẽ chiếm khoảng 60%, bù lại lượng cát nước ngọt thiếu hụt.

Cát biển đã được đưa về đến công trường. Đây là kết quả đã được Bộ Giao thông cho thí điểm mở rộng việc đưa cát biển về các dự án giao thông. Có cát thì nhiều gói thầu thuộc dự án Hậu Giang – Cà Mau sẽ được tăng tốc. Cùng với việc này, Bộ Giao thông tiếp tục rà soát, theo dõi để đưa cát biển vào các công trình giao thông trong thời gian tới.

Đồng thời, quá trình khai thác, vận chuyển, thi công cát biển cũng được thực hiện theo quy trình chặt chẽ để kiểm soát những tác động với môi trường.

Ông Đặng Hữu Sơn - Chỉ huy Thi công, Công ty Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C nhận định: "Tất cả các mẫu thí nghiệm đều được các phòng thí nghiệm hiện trường kiểm tra về tần suất, chất lượng và cả về độ mặn".

Hiện tại, đoạn dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang nằm trong nhóm có tiến độ chậm nhất trong dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. Và việc đảm bảo nguồn cát sẽ giúp các gói thầu bắt đầu lấy lại tiến độ. Theo kế hoạch vào cuối năm sau, đoạn dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ được đưa vào khai thác, nối dài, xuyên suốt trục cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước