Mới đây, Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Stockholm, Thụy Điển, để xem xét điều chỉnh lập trường chính sách với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Động thái này được cho là nhằm thể hiện quan điểm rõ ràng của EU rằng, Bắc Kinh phải có lập trường cứng rắn hơn với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Đáng chú ý tại cuộc họp lần này, các quan chức châu Âu đã đề xuất hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm với 8 công ty Trung Quốc có danh sách đi kèm do bị nghi ngờ vận chuyển những công nghệ lưỡng dụng sang Nga (những công nghệ có thể áp dụng cho cả dân sự và quân sự). Ngay lập tức phía Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.
"Chúng tôi không cung cấp vũ khí cho các quốc gia hoặc khu vực đang gặp khủng hoảng. Đó là luật của Trung Quốc. Khi chúng tôi xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng ra nước ngoài, chúng tôi cũng có luật và quy định. Trung Quốc xử lý những trường hợp này theo luật của mình. Giữa các công ty Trung Quốc và Nga là hoạt động trao đổi thương mại bình thường, điều này không thể bị cản trở. Chúng tôi nghiêm khắc phản đối một số quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Trung Quốc theo luật pháp của họ. Chúng tôi cũng sẽ bảo vệ các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia và các công ty của chúng tôi", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh.
Chiến lược giảm thiểu rủi ro với Trung Quốc của EU
61% đất hiếm được mua bán trên thị trường thế giới là từ Trung Quốc. (Ảnh: Global Times)
Quan hệ thương mại EU - Trung Quốc hiện rất phát triển và phụ thuộc nhau trên nhiều lĩnh vực. Năm 2022, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất và là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 3 của EU.
Khoảng 8% doanh thu các công ty đại chúng của châu Âu đến từ Trung Quốc, so với 4% của các công ty Mỹ, theo Morgan Stanley.
Về nguyên liệu khoáng sản sử dụng cho các ngành công nghiệp xanh như xe điện, pin…, EU đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc. Liên minh này hiện nhập khẩu 98% đất hiếm từ Trung Quốc, thậm chí nhiều hơn Mỹ với mức 80%. Do vậy, EU cần chiến lược tổng thể giảm thiểu rủi ro kinh tế với Trung Quốc.
Chiến lược này đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu công bố cuối tháng 3 vừa qua ngày trước thềm chuyến thăm Trung Quốc, bao gồm 4 trụ cột chính: Thứ nhất, giảm phụ thuộc đối với các nguyên liệu thô quan trọng; Thứ hai, tối đa hóa các công cụ phòng vệ thương mại; Thứ ba, hạn chế thương mại trong các công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo, vi mạch và điện toán lượng tử; Thứ tư, tăng cường hợp tác toàn cầu để xây dựng chuỗi cung ứng không phụ thuộc Trung Quốc.
Chiến lược đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ là cơ sở cho cuộc thảo luận vào cuối tháng 6 tới tại hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các nước EU.
Châu Âu kỳ vọng tự chủ được đất hiếm
Đất hiếm đang là khoáng sản quan trọng trong cuộc chạy đua cách mạng xanh hiện nay. EU phụ thuộc tới 98% nguyên liệu từ Trung Quốc và đã tìm nhiều cách để đa dạng hóa nguồn cung. Trên thực tế, công nghiệp khai khoáng đang dần hồi sinh tại châu Âu, sau hàng chục năm sụt giảm do sức ép phản đối của phong trào bảo vệ môi trường. Tự chủ về đất hiếm đang là câu chuyện nóng trên các mặt báo tại châu Âu.
Mỏ đất hiếm trữ lượng 1 triệu tấn trong lòng đất Thụy Điển, tin tức lan đi từ hồi đầu năm vẫn được giới đầu tư châu Âu quan tâm đặc biệt.
Tờ Libération ra tại Pháp nhấn mạnh đây là mỏ đất hiếm lớn nhất châu Âu được phát hiện. Trữ lượng của mỏ Kiruna được ước tính khoảng 1 triệu tấn, tương đương 1% trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới, đủ để giải quyết các vấn đề địa chính trị.
Theo tờ báo Pháp, từ những năm 90, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã cho rằng không cần quan tâm tới nguyên liệu kim loại, vì thị trường thế giới tự do rộng mở sẽ luôn cung cấp đủ nhu cầu. Tuy nhiên, hiện thế giới phân mảnh và bài báo nhấn mạnh nếu Trung Quốc giảm xuất khẩu đất hiếm sang châu Âu, sẽ là tai họa cho sản xuất công nghiệp cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Âu.
Tờ báo Đức Donau Zeitung khi viết về đề tài này đã giải thích sơ lược về đất hiếm. Theo lời bà Bộ trưởng Kinh tế Thụy Điển tờ báo Đức trích đăng, đất hiếm không quá hiếm và cũng không phải là đất. Đó chỉ là một thuật ngữ quen dùng để chỉ một nhóm gồm 16 nguyên tố rất giống nhau về mặt hóa học, bản chất là kim loại rất khó tinh luyện. Đất hiếm là nguyên liệu cốt lõi của 6 trong tổng số 9 công nghệ then chốt, chẳng hạn như trong tuabin điện gió, công nghệ kỹ thuật số, công nghệ tự động hóa, động cơ điện và pin nhiên liệu. Tóm lại, muốn chuyển đổi sang năng lượng sạch, bắt buộc phải có đất hiếm.
Theo tờ Courrier International của Pháp, trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới chỉ khoảng 120 triệu tấn. Nhiều nhất là tại Trung Quốc, 44 triệu tấn, thứ hai là Việt Nam, 22 triệu tấn, tiếp đó là Brazil, Nga, Ấn Độ và hiện có thêm Thụy Điển. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về khai thác và tinh chế đất hiếm, 61% đất hiếm được mua bán trên thị trường thế giới là từ Trung Quốc.
Châu Âu còn phải lệ thuộc Trung Quốc nhiều năm, vì Thụy Điển có mỏ không có nghĩa là châu Âu sớm tự chủ được nguyên liệu. Tờ Aftonbladet của Thụy Điển dự đoán, khai thác chỉ có thể bắt đầu sau 10 - 15 năm tới.
Bài báo viết: "Thụy Điển cũng như các nước châu Âu từ lâu đã phá bỏ các nhà máy tinh chế kim loại và sản xuất nam châm do lợi nhuận quá thấp, ô nhiễm môi trường. Nếu Thụy Điển khai thác được quặng mà lại phải đưa ra nước khác bên ngoài Liên minh châu Âu tinh chế cũng vẫn phải chịu lệ thuộc vào bên ngoài".
Nội bộ EU chia rẽ trong mối quan hệ với Trung Quốc
Có thể thấy, việc giảm dần phụ thuộc các nguyên liệu khoáng sản từ Trung Quốc của EU sẽ cần mất một thời gian dài. Từ cuối năm 2022, quan hệ EU - Trung Quốc được cho là đã bước vào giai đoạn "khởi động lại toàn diện".
Bắc Kinh cố gắng vừa duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Nga, vừa giảm thiểu áp lực đi xuống trong quan hệ với EU. Tuy nhiên, những quan điểm khác nhau về Trung Quốc trong chính nội bộ EU được dự báo sẽ tạo nên những yếu tố phức tạp trong việc định hình chính sách giảm thiểu rủi ro kinh tế với Trung Quốc.
Theo chuyên gia, các cuộc thảo luận của EU về giảm thiểu rủi ro kinh tế với Trung Quốc thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất khối. Tuy nhiên đây lại là 2 nước đang muốn tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 4 vừa qua được kỳ vọng thể hiện sự đoàn kết của châu Âu, nhưng rốt cuộc lại khiến lục địa già thêm chia rẽ.
Ông Macron tới Bắc Kinh với phái đoàn hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu. Airbus đồng ý mở rộng dây chuyền lắp ráp ở Thiên Tân và xác nhận đơn hàng bán 160 máy bay cho Trung Quốc. Đổi lại, Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ tầm nhìn về "tự chủ chiến lược" của nhà lãnh đạo Pháp.
Trong khi đó, Đức dù có quan điểm khá cứng rắn với Trung Quốc sau hội đàm cấp bộ trưởng hồi đầu tháng 5 này trong việc thể hiện lập trường rõ ràng hơn với Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên Berlin cũng cần tính toán việc "tách rời" Trung Quốc sẽ khiến GDP của Đức giảm 2%, tương đương với mức giảm 60 tỷ Euro.
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh nước này đảm bảo các khoản đầu tư lớn vào Trung Quốc sẽ tiếp tục, ngay cả khi G7 giảm thiểu rủi ro thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Dự kiến chính sách giảm thiểu rủi ro kinh tế với Trung Quốc sẽ được các nhà lãnh đạo EU họp bàn lại tại hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra vào tháng 6 tới.
EU và G7 gia tăng sức ép lên năng lượng Nga VTV.vn - Thị trường năng lượng toàn cầu được dự báo chứng kiến nhiều biến động, trước những động thái gần đây từ phía các nước phương Tây nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!