Cách đây ít năm, hiếm ai nghĩ rằng sẽ có một ngày cộng đồng quốc tế đạt được một thỏa thuận về thuế đánh vào các tập đoàn đa quốc gia, ước tính làm thất thu hơn 400 tỷ USD mỗi năm, thông qua những "thiên đường thuế", theo số liệu từ Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD. Tuy nhiên, dự án quốc tế mà nhiều người cho là không tưởng này một lần nữa nhận được sự ủng hộ lớn từ các nền kinh tế hàng đầu.
Khác với những cuộc họp trước, lần này, tất cả các Bộ trưởng Tài chính của các nền kinh tế hàng đầu thế giới G20 đều thống nhất sẽ đi đến một thỏa thuận trong cuộc họp tới vào tháng 7.
Ông Daniele Franco, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Italy, cho biết: "Vấn đề đánh thuế quốc tế đã được đặt lên bàn thảo luận vài năm trước và đang được tăng tốc giải quyết vướng mắc sau những gì xảy ra trong năm qua do COVID-19. G20 dự kiến sẽ đạt được một thỏa thuận vào tháng 7 tới".
Kế hoạch thuế toàn cầu của G20 sẽ dựa trên 2 trụ cột:
Thứ nhất, đưa ra một mức thuế tối thiểu. Biện pháp này sẽ mang về cho các nước mỗi năm thêm 100 tỷ USD;
Thứ 2: việc nộp thuế sẽ không còn dựa vào nơi đăng ký doanh nghiệp, mà sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động và doanh thu đạt được ở mỗi quốc gia. Đây được đánh giá đây là biện pháp mạnh có thể vô hiệu hóa các thiên đường thuế.
Chỉ riêng việc buộc các công ty kiếm lãi ở đâu thì phải đóng thuế ở đó, sẽ mang lại cho các nước khoảng 80 tỷ USD/năm.
Trên thực tế, thuế suất doanh nghiệp tại các quốc gia ngay trong khu vực liên minh châu Âu đã có sự dao động rất lớn. Vì vậy theo các nhà phân tích, việc đưa ra một mức thuế suất chung tối thiểu là điều không hề dễ dàng.
Ông Daniele Franco cho biết thêm: "Đây có thể là công việc tham vọng nhất về thuế trong bối cảnh quan hệ kinh tế đa phương".
Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ lên tiếng ủng hộ đề xuất này, nhằm thúc đẩy kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Joe Biden đã tạo ra sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Ông Olaf Scholz, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức, chia sẻ: "Tôi đã theo đuổi dự án thuế doanh nghiệp trong một thời gian rất dài. Việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng ủng hộ ý tưởng thuế suất tối thiểu là một động lực lớn cho việc triển khai kế hoạch áp thuế của tôi với bộ trưởng tài chính Pháp".
Hiện tại, chưa có đề xuất về mức thuế cụ thể nào được đưa ra, nhưng có thể sẽ từ 12,5% đến 21% theo dự đoán của các nhà phân tích. Áp thuế xuyên quốc gia có thể là giải pháp đáng kể để đem lại nguồn thu mới khi các nước vẫn đang nỗ lực phục hồi từ cú sốc COVID-19 hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!