Gặp khó tại Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt chuyển hướng

Mai Phương-Thứ tư, ngày 16/06/2021 09:49 GMT+7

VTV.vn - Việc xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tiếp tục gặp khó khi mới đây, cảng quốc tế Trạm Giang quyết định ngừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam và 10 quốc gia.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, đây là quyết định của doanh nghiệp quản lý, vận hành cảng và tới nay, chưa thấy quy định tương tự nào của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, điều này cũng gây ít nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, bởi Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản, đặc biệt là cá tra.

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vì dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên nhiều thành phố như: Thâm Quyến, Quảng Châu, Trạm Giang (Quảng Đông) đã tăng cường các phòng, chống dịch tại cảng biển.

Nhiều đơn vị xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc cũng đã tiếp nhận thông tin này. Doanh nghiệp cho biết đã được đối tác nhập khẩu thông báo về việc hàng hóa sẽ ách tắc và đi chậm lại trong thời gian tới.

"Do bên đó kiểm soát kỹ thành ra việc giải tỏa hàng hơi chậm. Từ 20/6 - 15/7, họ nói có gì qua đầu tháng 7 rồi đi tiếp. Quy trình của họ hơi gắt gao hơn so với các nước khác", ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, cho biết.

Gặp khó tại Trung Quốc, doanh nghiệp thủy sản Việt chuyển hướng - Ảnh 1.

Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá tra. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã gặp khó khăn từ năm 2020. Trước đó, tháng 11/2020, Trung Quốc đã siết chặt hoạt động kiểm soát hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu tại những thành phố đầu mối thương mại vì dịch COVID-19. Cụ thể, tất cả sản phẩm thực phẩm đông lạnh khi vào Trung Quốc phải đầy đủ 4 loại giấy chứng nhận mới được đưa ra thị trường tiêu thụ.

Năm 2020, Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu thủy sản khoảng 20%. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ động chuyển hướng thị trường và tận dụng thêm lợi thế từ các thị trường có hiệp định thương mại.

"Mình buộc phải đi các nước khác. Các nước châu Á như: Thái Lan, Philippines mua nhiều lên, Trung Quốc thì giảm đi", ông Ong Hàng Văn cho biết thêm.

"Các thị trường có hiệp định thương mại cũng có dấu hiệu cho thấy mức độ tăng khá nhanh. Cụ thể với CPTPP, các nước như Canada, Nga, Nhật có sự tăng trưởng, bên cạnh đó tập trung xuất khẩu thêm vào châu Âu, thị trường có tác động lớn từ EVFTA", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng khó khăn về kiểm dịch và ùn tắc hàng hóa tại thị trường này cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đa dạng thị trường.

Tính toán từ VASEP cho thấy, năm 2021 thị trường thế giới cũng tạm thời thiếu hụt nguồn cung các mặt hàng thủy sản, do vậy đây cũng có thể là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản bù đắp phần giảm do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng trên nhiều thị trường Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng trên nhiều thị trường

VTV.vn - Theo Cục Xuất nhập khẩu, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng hơn 13% về lượng và trên 12% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước